Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/11, đầu phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn tỉnh Ninh Thuận) liên quan đến việc sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, đây là một vụ việc mà trước đây Phó Thủ tướng đã có ý kiến phát biểu trước Quốc hội. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan tư pháp thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 14/8/2019, Bộ Công an đã có văn bản số 465 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, nội dung chính là nêu do các Bộ liên quan chưa có văn bản trả lời yêu cầu giám định nên việc xử lý phải chờ theo quy định của pháp luật.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn sáng 10/11.
Sau đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, khẩn trương có văn bản gửi cơ quan điều tra về kết luận giám định các vấn đề có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan, theo đó, đã chỉ đạo các cơ quan đánh giá kết quả sản xuất của Thuận Phong có phải là hàng giả hay không. Đây là quá trình chưa chuyển sang giai đoạn tố tụng mà xem xét hành chính. Với trách nhiệm của mình, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điểu tra. Sau đó, đã chuyển cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc yêu cầu giám định. Ngày 20.11.2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản 3721 kèm theo kết quả giám định, ngày 3.4.2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung, sau đó Bộ đã ban hành văn bản 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung.

Trước đó, ngày 15/4/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã nhận được kết luận giám định của Bộ Công Thương. Hiện vụ việc đang thuộc trách nhiệm xử lý của các cơ quan tố tụng. Việc còn lại, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với các cơ quan xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về quyết định của mình.
Không thể chỉ đạo án bằng 1 công văn 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đặt câu hỏi với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc trong hoạt động xét xử, đặc biệt các vụ án hành chính có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo tòa án không? Lãnh đạo Tòa án có chỉ đạo hành chính không phù hợp đến các quan hệ tố tụng không? Nếu có thì xử lý như thế nào?

 Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

Các giải pháp của tòa án đưa ra để hạn chế và loại bỏ tiêu cực đó nhằm thực hiện nghiêm Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định về thẩm phán hội thẩm, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Đây là điểm cốt lõi của cải cách Tư pháp cần hướng tới và đạt được.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: không có chỉ đạo về việc xét xử đối với tòa án cấp dưới kể cả án hành chính cũng như tất cả các loại án khác. Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của tòa án cấp dưới, không có sự can thiệp. Còn tòa án địa phương nếu lúng túng về việc áp dụng pháp luật thì hỏi Tòa án cấp trên. Tức là Tòa án cấp trên có hướng dẫn về mặt áp dụng pháp luật khi có cách hiểu khác nhau về 1 nội dung luật. Trong phần hướng dẫn của tòa án cấp trên đối với cấp dưới thì luôn luôn khẳng định là đây tài liệu tham khảo.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Còn chỉ đạo án thì phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu chứ bằng 1 văn bản thì không được xem là chỉ đạo án. Không thể chỉ đạo án bằng 1 công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ mà phải là hồ sơ gốc. Đấy chỉ là về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn những vấn đề còn nhận thức khác nhau về 1 nội dung pháp luật”.