Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Nhân dân vẫn bức xúc trước “hung thần” giao thông

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/7, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo ATGT toàn quốc 6 tháng đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình nhận định: “Nhân dân vẫn bức xúc trước các loại hung thần khi tham gia giao thông như xe container, xe tải, xe buýt…”.

Số người tử vong vẫn đến hàng nghìn
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 1.595 vụ (19,02%), giảm 568 người chết (14,91%), giảm 1.419 người bị thương (22,32%).
Tính từ ngày 15/12/2019 - 14/6/2020, có 47 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó 7 địa phương giảm trên 40% số người chết gồm: Cà Mau, Lâm Đồng, Hậu Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng. Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2019, trong đó 8 tỉnh tăng trên 15% là: Đắk Nông, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bạc Liêu, Kon Tum, Bến Tre, Phú Yên, An Giang.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Sơn
Tính đến hết tháng 6 vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản xử lý 1.835.483 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT, phạt tiền gần 1.618 tỷ đồng; tước 150.931 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 304.955 phương tiện. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, so với cùng kỳ năm 2019, số vụ vi phạm bị xử lý giảm 151.471 trường hợp nhưng tiền phạt lại tăng gần 343 tỷ đồng.
Riêng đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 15/5 - 14/6, lực lượng CSGT toàn quốc đã tổng kiểm soát 1.693.953 phương tiện; phát hiện, lập biên bản: 401.027 trường hợp vi phạm; phạt tiền 298,8 tỷ đồng; tước GPLX: 27.293 trường hợp; tạm giữ: 61.563 phương tiện. Thanh tra các Sở GTVT và Thanh tra các cục quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra tải trọng đối với 52.335 xe, trong đó có 5.881 xe vi phạm, tước 1.959 giấy phép lái xe, xử phạt trên 61 tỷ đồng.
Chưa thể yên tâm
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, thời gian qua, tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là hai TP lớn: Hà Nội và Hồ Chí Minh. “Điều này cho thấy các biện pháp xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự, ATGT ở nhiều nơi còn thiếu căn cơ, không bền vững. Mà hiện tượng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè là nguyên nhân chính dẫn đến UTGT tại các đô thị lớn” - ông Hùng đánh giá.
Đánh giá cao kết quả 6 tháng vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đã biểu dương Bộ GTVT, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 100/NĐ-CP và Nghị định 10/NĐ-CP rất quyết liệt và công tâm; lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT đã vào cuộc quyết liệt triển khai 2 nghị định này.
Cùng với đó, công tác thông tin truyền thông và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên công tác đảm bảo trật tự, ATGT có chuyển biến tốt. Có thể nói, việc ban hành và triển khai 2 nghị định này là một điểm sáng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho rằng, tình hình trật tự, ATGT vẫn còn phức tạp, liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây nhiều lo lắng cho Nhân dân khiến chúng ta chưa thể yên tâm. “Nhân dân vẫn bức xúc trước các loại "hung thần" khi tham gia giao thông như xe tải, xe container, xe buýt cứ chạy ầm ầm, người đi xe máy thấy mình mong manh trước các loại phương tiện này lắm” – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.
Ngoài ra, tình hình vi phạm quy định về tải trọng xe vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng UTGT tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa được giải quyết và có xu hướng gia tăng. Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị đánh giá đúng thực trạng, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, khả thi nhằm tiếp tục kéo giảm TNGT trong thời gian tới.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông; tổ chức thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ để chấn chỉnh, xử lý hiện tượng tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định xe cơ giới.

Hiện tượng chống đối CSGT đang thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. 6 tháng qua đã xảy ra 19 vụ chống đối, làm 9 CSGT bị thương, 18 đối tượng bị bắt giữ.