Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/12, ngày hội chính chương trình Chủ nhật Đỏ đã khai mạc tại trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội).

Tới dự lễ diễu hành hưởng ứng chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ XII - năm 2020 có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình.
 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Như Ý.
Là năm thứ 12 tổ chức, Chủ nhật Đỏ đã trở thành một thương hiệu của tình yêu thương, những giọt máu nghĩa tình của giới trẻ nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung gửi đến người bệnh. Với chủ đề “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi”, Chủ nhật Đỏ đã lan tỏa mạnh mẽ tại 40 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Hà Nội, năm 2020 là năm thứ 5 trường Đại học Bách khoa Hà Nội đồng hành cùng Chủ nhật Đỏ.
Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Cùng với các hoạt động hiến máu khác như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, chương trình Chủ nhật Đỏ đã thành sự kiện mang đậm ý nghĩa nhân văn, tô đậm triết lý sống nhân ái của người Việt Nam. 11 năm qua, Chủ nhật Đỏ thành công, ngày càng tiếp nhận nhiều đơn vị máu an toàn đã khẳng định chương trình ngày càng uy tín.
Phó Thủ tướng khẳng định, hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, tham gia hiến máu tô thắm truyền thống thương người như thể thương thân của người Việt. Phó Thủ tướng mong muốn các đơn vị, ban, ngành cần có thêm nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn với người bệnh như tổ chức hiến máu và hoạt động hỗ trợ bệnh nhân như chương trình Chủ nhật Đỏ.
Không khí sôi nổi tại Ngày hội hiến máu tình nguyện Chủ nhật Đỏ. Ảnh: Như Ý.
Ngày hội hiến máu tình nguyện Chủ nhật Đỏ đã trở thành hoạt động thường niên, có quy mô toàn quốc và có tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng hơn tới cộng đồng, xã hội khi kêu gọi nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân cùng chung tay chia sẻ dòng máu của mình vì tính mạng của những người bệnh cần truyền máu.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ Trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Từ năm 1994, khi mới phát động phong trào hiến máu chỉ tiếp nhận hơn 100.000 đơn vị máu, chủ yếu từ người bán máu chuyên nghiệp, người nhà bệnh nhân.
Đến nay phong trào hiến máu đã phát triển mạnh mẽ, riêng năm 2019 tiếp nhận 1,6 triệu đơn vị máu; lượng máu chủ yếu từ những người tình nguyện, đạt 98%. Tình hình thiếu máu phục vụ cứu chữa người bệnh cơ bản khắc phục. Đến nay có hàng vạn người hiến máu hơn 50 lần; hàng trăm gia đình hiến máu; nhiều cơ quan, DN hiến máu thường xuyên.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm hỏi, động viên các tình nguyện viên tham gia hiến máu. Ảnh: Như Ý.
Tuy nhiên, lượng máu phục vụ cứu chữa người bệnh trên cả nước mới chỉ đạt hơn 75%, vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu máu thời vụ, thiếu nhóm máu. Chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ trong những năm qua đã và đang góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu chữa bệnh vào dịp trước trong và sau Tết; đồng thời, lan tỏa tinh thần hiến máu cứu người tới cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết, dự kiến cả kỳ Chủ nhật Đỏ lần thứ XII - năm 2020 diễn tại 40 tỉnh, TP với gần 80 điểm hiến máu sẽ tiếp nhận từ 45.000 đến 50.000 đơn vị máu. Tính đến ngày 18/12, trước khi Chủ nhật Đỏ chính thức khai mạc, đã có 9 điểm hiến máu được diễn ra tại nhiều địa phương và thu về gần 5.500 đơn vị máu.
TS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết: “Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trong cả nước đều đang đối mặt với tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào cuối năm và lo ngại sẽ thiếu nguồn người hiến máu cho dịp Tết và ngay sau Tết; đặc biệt là thiếu nhóm máu O, nhóm máu A.
Riêng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cần tối thiểu 80.000 đơn vị máu trong 3 tháng (từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020) để cung cấp cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, TP với diện bao phủ 40 triệu dân. Hơn lúc nào hết, chúng tôi kêu gọi nhiều hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị quyết định tổ chức hiến máu trong thời điểm khó khăn này. Chính vì vậy, nhiều năm nay, Chủ nhật Đỏ đã trở thành “cứu cánh” cho ngành y tế và người bệnh cần truyền máu”.