Tới dự và chủ trì có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cùng các nhà khoa học trên cả nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, GS. TS Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Ở các đô thị lớn, tình trạng người sống ở gần người chết, có khi người sống ở cùng người chết đã và đang tồn tại như tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Ở các đô thị kinh phí, thủ tục cho việc mai táng người chết trở thành vấn đề lớn không chỉ của các cá nhân, gia đình mà của cả xã hội. Khi gia đình có người chết, việc lựa chọn hình thức mai táng nào, địa táng hay hỏa táng, nơi chôn cất hay lưu giữ tro cốt ở đâu là việc đại sự; đồng thời vấn đề hộ khẩu, tiêu chuẩn, chế độ cũng không hề đơn giản”.
“Đối với khu vực nông thôn, nhiều gia đình có người chết phải giải quyết vấn đề người xa quê thì có được mang thi hài/hài cốt/tro cốt về quê mai tái không? Người nghèo từ nơi khác đến có đủ tiền để mua suất đất ở khu nghĩa trang để mai táng không? Đây chỉ là vài ví dụ đơn cử trong rất nhiều vấn đề có tính thời sự, là những bài toán cần có lời giải” – ông Thuấn cho hay.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Có nhiều ý kiến từ các nhà khoa học, quản lý nêu rằng, hiện nay tập quán an táng của người Việt không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề môi trường, đất đai và đô thị. Do vậy, có nhiều ý kiến đề nghị tăng cường quản lý, ra các văn bản chỉ đạo, quy phạm pháp luật, chính sách về kinh tế để đảm bảo phong tục tập tập quán của dân tộc phù hợp với yêu cầu phát triển mới trên tinh thần văn minh”.
Toàn cảnh Diễn đàn khoa học "Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra. Ảnh: Lại Tấn |
“Tôi có trao đổi với một số đồng chí cán bộ, lãnh đạo có liên quan và chúng tôi thấy việc mai táng của người Việt Nam là vấn đề xã hội liên quan đến tập tục, truyền thống, không chỉ đơn thuần bằng các pháp luật, chính sách kinh tế mà giải quyết được vấn đề, cần đi đôi với nghiên cứu sâu những góc độ văn hóa, xã hội. Phối hợp tất cả những giải pháp ấy mới có định hướng, giải pháp nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực. Bằng tinh thần đó, chúng tôi nhận thấy những nhà khoa học Việt Nam nói chung, đặc biệt là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lân Khoa học công nghệ Việt Nam phải cùng nhau nghiên cứu, đưa ra góc nhìn khác nhau để có các kiến nghị cần thiết” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: “Qua kiến nghị, gửi thư, đại biểu Quốc hội góp ý bằng văn bản, tôi thấy từ nhiều đời người Việt có phong tục tập quán về những việc cần làm với người mất, từ tổ chức tang lễ, nghi lễ để làm mổ yên mả đẹp, giỗ, Tết… đây biểu hiện truyền thống hiếu nghĩa. Ngày nay, người dân có đời sống kinh tế tốt hơn nên họ thể hiện tâm nguyện tốt hơn nhưng phải thừa nhận, những quy định chính sách nhà nước chưa đồng bộ, chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng tự phát, đua tranh trong ma chay, xây dựng mồ mả … thậm chí có nơi sáng tác thêm những “chuẩn mực” mới tang lễ, mồ mả, mai táng; không quá lời nếu nói đó là sự ganh đua vì sĩ diện, mối quan hệ trong đời sống. Chúng ta dễ nhận thấy, việc mai táng, xây dựng mồ mã thiếu phương pháp, thiếu quản lý, có nơi nghĩa trang như một TP nhỏ, có nơi lại lộn xộn nhếch nác. Điều này không chỉ gây mất quỹ đất, ảnh hưởng mỹ quan mà còn gây tranh chấp, mất đoàn kết”.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Một số nhà khoa học sau khi đại biểu Quốc hội phát biểu trên diễn đàn Quốc hội đã gửi kiến nghị đến tôi nói rõ một mặt phải bàn cho đúng quy định về pháp luật, nêu rõ không được làm những gì; mặc khác có chính sách khuyến khích về kinh tế để thực hiện theo hình thức nào. Nhưng đặc biệt, các nhà khoa học nói tất cả những điều đó phải dựa trên việc vận động, phân tích truyền thống văn minh, phát huy vai trò của các tôn giáo, tổ chức xã hội để định hướng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chúng ta biết ở Việt Nam có trên 50 dân tộc anh em, tập quán sống, trôn người đã mất khác nhau. Ngay người Kinh vùng miền cũng khác nhau, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau nên không thể máy móc có chính sách chung cho tất cả”.
Phát biểu tại diễn đàn Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho hay: “Năm 2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 28/2010/QĐ – UBND quy định về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng. Trong đó, TP hỗ trợ chi phí hóa táng mức 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ chi phí vận chuyển 1 triệu đồng (đối với khu vực ngoại thành), 500.000 đồng (khu vực nội thành). Ngoài ra, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội tại các Trung tâm nuôi dưỡng tập trung và người lang thang, vô gia cư mất trên địa bàn TP còn được hỗ trợ áo quan, túi đồ khâm liệm, quản lý lưu giữ bình tro”.
Qua đó, chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng của TP đã tác động rõ rệt, nhiều gia đình có người thân mất đã lựa chọn hình thức hỏa táng văn minh, tiến bộ thay thế hình thức hung tác lạc đậu, cổ hủ, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, lãng phí đất. Sau khi thực hiện chính sách khuyến khích hỏa táng, tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng trong tang lễ đã tăng dần qua các năm từ 18,5% năm 2010, lên 48,28% năm 2015 và hiện nay trên 60%.
Theo tổng hợp của Sở TT&TT Hà Nội, người dân sử dụng phần mềm hỏa táng, dịch vụ trực tuyến (từ 1/9/2016 – 30/6/2019) là 40.811 hồ sơ, tiết kiệm cho người dân 5 tỷ đồng. Chính sách khuyến khích hỏa táng của TP được người đân đồng tình ủng hộ. Tỷ lệ hỏa táng tăng nhanh, 6 tháng đầu năm 2019 tỷ hỏa táng của Hà Nội đạt trên 60% (gấp 2 lần so với Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng ban hành theo Quyết định 2282/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Chính phủ). Dự kiến phấn đấu đến giai đoạn 2020 – 2025 tỷ lệ hỏa táng của TP đạt khoảng 65%. |