Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển bền vững là sự lựa chọn đúng đắn nhất!

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Phát triển bền vững là sự lựa chọn đúng đắn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất đúng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững khai mạc sáng 17/12 tại TP Đà Nẵng.

Phát triển bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việt Nam luôn xác định phát triển bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu. Chúng tôi luôn phấn đấu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh; góp phần gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, thịnh vượng trong khu vực và trên thể giới”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển toàn diện, đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs), tạo ra những thay đổi to lớn trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể của SDGs, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển.
Mới đây, tại Diễn đàn chính trị cấp cao 2018 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF 2018), Chính phủ Việt Nam đã có Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện. Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị để quán triệt các Bộ, ngành, cấp chính quyền thực hiện.
“Phát triển bền vững là sự lựa chọn đúng đắn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất đúng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Việt Nam tuy đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp. Dù chiến tranh đã qua mấy chục năm những những hậu quả nặng nề vẫn còn. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Và dù còn trong thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Sức ép tăng trưởng kinh tế trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, thu nhập của người dân còn thấp đã dẫn tới không ít nơi chưa chú trọng đúng mức tới bảo vệ môi trường, tới các vấn đề xã hội. 

Đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn để không bị bỏ lại ngày càng xa nhưng Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể và trực tiếp nhất là cho bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội nghị.
Các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ tài chính

Phó Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam xác định tập trung chỉ đạo triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong đó đặc biệt lưu ý: Cần nghiên cứu, trình Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Luật pháp, chính sách cần thể hiện các nội dung cơ bản của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách, chương trình, phong trào thi đua. Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện các chương trình giám sát thực hiện các cam kết quốc tế, các quy định của Pháp luật về phát triển bền vững.

Ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính; sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Martin Chungong - Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới phát biểu tại hội nghị
Tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực sáng tạo quốc gia và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển bền vững, nhất là trong kết nối hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, theo dõi, giám sát, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế đối với các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong phiên thảo luận Tổng quan về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển và vai trò của Nghị viện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, Việt Nam phát triển bền vững từ khi chưa có chương trình này. Nói đến phát triển bền vững là nghĩ đến môi trường trước, còn cái sâu xa hơn là các vấn đề xã hội. “Giải quyết các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, môi trường, an sinh… cần chi phí rất lớn. Vì thế, ngoài sự chia sẻ về kinh nghiệm của của các đại biểu quốc tế, những nước đang phát triển cần sự hỗ trợ về mặt tài chính”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Martin Chungong - Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU) cho biết, Việt Nam và IPU từ năm 1957. Việt Nam là nước đầu tiên tổ chức hội nghị khu vực Châu Á Thái Bình Dương liên quân đến các mục tiêu phát triển bền vững (năm 2017).

Ông Martin Chungong đánh giá Quốc hội Việt Nam rất tích cực, trách nhiệm, ý thức trong triển khai những ý tưởng, dự án của IPU để tạo thịnh vượng cho người dân Việt Nam. “Chúng tôi và Việt Nam đều hướng đến một mục tiêu chung. Đây là những cam kết mà tất cả những nghị sĩ từng cam kết tại Hà Nội. Chúng ta phải có những chương trình, hành động cụ thể để hướng đến mục đích phát triển bền vững. Do vậy, những ý định và quyết tâm chính trị rất quan trọng để thực hiện quyết tâm này”, ông Martin Chungong nói.

Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh: “Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội có những biện pháp giám sát để điều chỉnh. Đại biểu Quốc hội kết nối người dân với Chính phủ, để chúng ta quan tâm đến được tất cả thành phần trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau nhằm xây dựng hành tinh tốt đẹp hơn”.