Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện cả nước có 22.649 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó có 13.712 hợp tác xã nông nghiệp, hơn 9.000 hợp tác xã phi nông nghiệp... Các hợp tác xã đang đóng góp 10% GDP của cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu người…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực nội tại còn yếu, sự liên kết giữa các hợp tác xã còn thấp… Ngoài nguyên nhân về cơ chế, chính sách còn bất cập, nhiều hợp tác xã hiện nay có quy mô nhỏ, năng lực quản trị còn hạn chế; mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng lẻo…
Để khắc phục những hạn chế trên, giúp các hợp tác xã phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường… bà Lưu Thị Chỉ - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay của các hợp tác xã là không ngừng nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, các hợp tác xã phải minh bạch tài chính tạo niềm tin, động lực cho các thành viên trong hợp tác xã và đối tác liên kết phát triển…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Cao Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu (tỉnh Bạc Liêu) đề nghị các cấp, các ngành điều chỉnh cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được thuê đất xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Liên quan vấn đề huy động nguồn lực để phát triển, ông Nguyễn Phi Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Dương Liễu (Hà Nội) đề nghị các cấp, các ngành sửa đổi quy định nâng mức vốn góp cao hơn 20% để người góp vốn có trách nhiệm và gắn bó với hợp tác xã; đồng thời, có chế độ ưu đãi về thuế thu nhập, đất đai, phí và lệ phí cho các hợp tác xã…
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, kinh tế hợp tác xã là thành phần quan trọng, có vai trò chiến lược, đưa nền kinh tế nhỏ phát triển lên quy mô lớn. Để kinh tế tập thể phát triển, các hợp tác xã phải gắn kết lợi ích với cộng đồng thôn, bản, ngành nghề.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có chính sách đột phá, giúp các hợp tác xã thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, các địa phương cần trao quyền chủ động cho các hợp tác xã về nhân lực quản lý, đảm nhận các dịch vụ nông nghiệp đầu vào, tham gia các chuỗi phân phối…
Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự, chính trị, phát triển văn hóa, xã hội... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hợp tác xã chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế...
Để kinh tế hợp tác xã phát triển bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đúng về vai trò của kinh tế hợp tác xã; thực sự quan tâm, tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế, đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của cán bộ các hợp tác xã… Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.