Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Sẽ kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính của EVN

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng Báo cáo giải trình của Chính phủ về việc tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% là "chưa thuyết phục" và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Có ĐB đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300 kWh.

Đề cập tới việc tăng giá xăng, giá điện thời gian qua, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng đó là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường. “Tuy nhiên, chúng ta cần điều hành, áp dụng như thế nào để tránh bức xúc trong dư luận như thời gian qua", bà Mai nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều ngày nay ông đều nhận được câu hỏi của cử tri "giá điện liệu có giảm không?" khi hoá đơn tiền điện của người dân tăng cao sau đợt điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36% từ ngày 20/3 và cử tri cho rằng ngành điện vẫn chưa minh bạch.
Đọc báo cáo của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình về tăng giá điện, ông Ngân chia sẻ với những nội dung và lý do tăng giá. Tuy nhiên vị đại biểu TP Hồ Chí Minh không đồng tình với cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay.
  ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu. 
Ông Ngân cho biết hiện Nhật Bản chỉ có 3 bậc thang giá điện, Indonesia 5 bậc, Việt Nam 6 bậc nhưng cách chia và định mức mỗi bậc của Việt Nam chưa thật hợp lý với bối cảnh nhu cầu dùng điện của người dân đang tăng.
"Hiện nay nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng tăng lên. Do đó bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Từ phân tích trên, ông Ngân đề xuất chỉ nên áp dụng 3 bậc thang giá điện. Cụ thể, bậc 1 áp dụng từ 0 đến 100 kWh, bậc 2 áp dụng từ 101 đến 300 kWh và bậc 3 từ 301 kWh trở lên.
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh) lo lắng việc giá điện tăng kéo theo giá sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng... tăng theo, việc kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm sẽ là rất đáng lo ngại.
Còn đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc tăng giá điện, xăng dầu, thuế tài nguyên tạo nên những áp lực lớn cho đời sống nhân dân và các doanh nghiệp, trong khi giải trình chưa minh bạch đang tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân. "Nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây nên những bức xúc trong nhân dân", ông Sơn bày tỏ.
ĐB Nguyễn Văn Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng Chính phủ đã có giải trình về cơ chế tính nhưng vẫn cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. "Cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng của mặt hàng này chưa phù hợp", ông Cầu nói và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.
"Nếu kiểm toán vào trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm", ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
ĐB Lê Thu Hà (đoàn Nghệ An) cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố. "Tôi đồng tình với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, có lẽ nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện", bà Hà nêu quan điểm.
Trong khi đó, ĐB Mai Sĩ Diến (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao Quốc hội giám sát chuyên đề, có Nghị quyết giao Chính phủ điều hành, đảm bảo tính công khai, minh bạch quản lý xây dựng định mức giá điện.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (đoàn Nghệ An) cho biết: “Tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019. Sai ở đâu Chính phủ, các bộ ngành nhận khuyết điểm chỗ đó", Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo ĐB Vương Đình Huệ, xăng dầu và điện là mặt hàng bình ổn giá, có điều tiết của Nhà nước và cần từng bước mới tiến tới được thị trường toàn diện. Chính phủ điều hành công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa có thị trường nhưng có điều tiết của nhà nước.