Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Gardens by the Bay ở Singapore, sáng 24/8, trước khi khởi hành đến Việt Nam. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi biết rằng Bắc Kinh tiếp tục ép buộc, đe dọa và đưa ra yêu sách đối với phần lớn Biển Đông", bà Harris nói trong một bài phát biểu tại Singapore, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà tới Đông Nam Á, "Những tuyên bố trái pháp luật này đã bị bác bỏ bởi phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, các hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia".
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng một tòa án tại Tòa Trọng tài Thường trực đã bác bỏ tuyên bố là vô căn cứ về mặt pháp lý vào năm 2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của tòa và trong vài năm gần đây, thậm chí còn tăng cường hiện diện bằng cách triển khai các tàu tuần tra vùng biển và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép.
Bà Harris cho biết, Mỹ muốn thúc đẩy một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cam kết "sát cánh với các đồng minh và đối tác" khi đối mặt với những mối đe dọa tại Biển Đông.
Đồng thời, Phó Tổng thống cũng đảm bảo với các nước trong khu vực rằng Mỹ sẽ không bắt họ phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.
"Sự tham gia của chúng tôi ở Đông Nam Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương không chống lại bất kỳ quốc gia nào, cũng không phải để khiến bất kỳ ai phải lựa chọn giữa các quốc gia", bà Harris tuyên bố.
Mỹ đã hiện diện quan trọng trong nhiều thập kỷ ở Đông Nam Á thông qua các cam kết an ninh và kinh tế, nhưng sự thúc đẩy tích cực của Trung Quốc thông qua các chương trình như Sáng kiến Vành đai - Con đường đã làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
David Adelman - cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore - đánh giá, các nước châu Á đã phải cân bằng giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy và Mỹ vốn là "người bảo đảm an ninh" trong khu vực. "Các quốc gia ở châu Á muốn căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lắng dịu, nhưng điều đó có thể sẽ mất một thời gian dài", ông David nói với CNBC.