2 năm gần đây tăng trưởng của Việt Nam đều trên 7% trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đều giảm tốc. Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trong khu vực và thế giới. Ông đánh thế nào về kết quả này, đâu là nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng ấn tượng như vậy?
- Nguyên nhân có nhiều phương diện khác nhau, trong đó 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa và các nhóm nhân tố tác động lên tổng cung và tổng cầu nền kinh tế. Phía tổng cầu, tiêu dùng tăng trưởng tương đối tốt, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, xuất khẩu (thặng dư thương mại, xuất khẩu sang Mỹ tăng rất ngoạn mục).
Tuy nhiên, đầu tư công từ ngân sách T.Ư tiếp tục giảm sút cả 2 năm 2018 - 2019. Về tổng cung, công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực quan trọng, dịch vụ cũng tăng tương đối tốt, nông lâm thủy sản không được mạnh như 2016, 2017 do dịch tả lợn châu Phi và Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn nông sản cao với Việt Nam và nhân tố thị trường xuất khẩu thủy sản đi EU, Mỹ.
DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là lực chính tạo ra thặng dư thương mại, đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam; Đặc biệt, một số tỉnh thành, FDI đóng vai trò gần như chính trong tăng trưởng và thu ngân sách như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Về luồng vốn đầu tư, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy luồng đầu tư, đi liền với đó là thương mại. Tổ chức UBS khảo sát 220 DN hoạt động tại Trung Quốc có tổng sản phẩm xuất khẩu trên 30%, giai đoạn 9/2018 - 2019 cho thấy, có tới 63% DN đã chuyển, trong đó trước chiến tranh thương mại có chừng 33% DN đã chuyển, sau chiến tranh thương mại là một cú huých để nhiều DN (30%) tiếp theo đi đến quyết định cuối cùng.
Cũng có nhiều DN sang Việt Nam đầu tư không phải do chiến tranh thương mại mà vì tiêu chuẩn môi trường Trung Quốc tăng, DN không đáp ứng được. Thu nhập trung bình của Việt Nam còn thấp (10/2019, lương trung bình của Trung Quốc gấp 3 lần Việt Nam) cũng là nhân tố thu hút FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam hội nhập tham gia CPTPP, EVFTA cũng là nhân tố thu hút FDI khiến nhiều DN trên thế giới vào Việt Nam. Chính sách hướng Nam (Đông Nam Á) mới của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đặt Việt Nam và Indonesia cũng là nhân tố quan trọng khiến Việt Nam thu hút được nhiều hơn.
Về địa lợi, ta ngay sát Trung Quốc và nằm ngay chính khu vực ASEAN – khu vực tăng trưởng năng động có đến 90 FTA (Hiệp định thương mại tự do) của các nước. Về nhân hòa, qua cảm nhận thế giới tin chúng ta hơn, từ kết quả thành viên không thường trực, lòng dân tin Đảng hơn, tin Chính phủ, đặc biệt là nỗ lực cải thiện môi trường cạnh tranh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Từ những phân tích trên, có thể nói Việt Nam bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới chưa hay còn những vấn đề gì không thưa ông?
- Xét về mặt kỹ thuật, từ 2016 nền kinh tế theo quỹ đạo tăng khá rõ nét. Chu kỳ tăng của nó kéo dài bao lâu thì không ai biết được nhưng xét tổng thể kinh nghiệm nhiều nước, chu kỳ tăng trưởng thu hẹp trong những thập niên gần đây. Như Mỹ chu kỳ tăng trưởng từ năm 1980 của họ mức trung bình là 5,5 năm. Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tương đối vững chắc từ những năm trước.
Lưu ý là luồng vốn vào nhiều cần cẩn trọng đây là cơ hội ta lựa chọn dạng loại hình đầu tư phù hợp để đổi mới chính sách thu hút FDI. Lựa chọn những dự án không gây ô nhiễm ra môi trường (với những dự án trốn tiêu chuẩn về môi trường sang Việt Nam), có được chuyển giao công nghệ, tạo lao động địa phương lan tỏa lên nền kinh tế địa phương.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra, Việt Nam nên lưu ý khả năng Mỹ áp đặt trừng phạt thương mại do liên quan nghi ngờ một số mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc qua Việt Nam sang Mỹ nhằm né tránh xuất xứ. Phải chủ động có chế tài mạnh mẽ hơn với những DN gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ để tránh hậu quả.
Theo ông dư địa tăng trưởng trong năm 2020 ở những lĩnh vực nào? Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, tập trung vào tận dụng CMCN 4.0 và Hiệp định ký kết hội nhập, ý kiến của ông thế nào?
- Sức mua của thị trường trong nước liên tục phát triển, thu nhập tăng nên tổng cầu và sức mua của nền kinh tế được củng cố và duy trì đà tăng trưởng tích cực. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và đầu tư từ khu vực tư nhân đang tăng lên.
Tôi đồng tình với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào CMCN 4.0 và các FTA là hướng đúng. Tuy nhiên, nếu không chỉ ra cụ thể như thế nào thì không thực hiện được mà thậm chí là thực hiện sai. Đầu tiên, Việt Nam cần phải có kế sách phù hợp linh hoạt để DN nắm bắt được cơ hội phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ 4.0 trong sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
Có sự chuẩn bị về mặt pháp lý, vừa linh hoạt vừa thông thoáng, vừa hỗ trợ đúng mức khuyến khích mạnh mẽ, không họ sang nước khác đầu tư. Vừa qua, chúng ta lúng túng với một số mô hình kinh doanh mới. Vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển là ở đây. Nhà nước phải tìm ra phương thức áp dụng quản lý hữu ích trên cơ sở bình đẳng, công khai minh bạch, và trách nhiệm giải trình. Đưa công nghệ như bigdata, chuỗi khối blockchain, trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, tạo công khai, minh bạch và công bằng, đặc biệt hạn chế tham nhũng.
Ngoài ra có khung quản lý thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phải tính làm sao DN nhỏ và vừa được hưởng lợi từ nâng cấp trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nhà nước phải đầu tư vào công nghệ gì? Như thế nào để dùng công nghệ quản lý tốt hơn, tránh tham nhũng, tránh lãng phí. Tiếp tục ươm dưỡng, đổi mới môi trường sinh thái khởi nghiệp quốc gia cũng rất quan trọng.
Về FTA chúng ta mở rộng nhiều nhưng chưa tận dụng được nhiều. Ví dụ như quy tắc xuất xứ. Tỷ lệ tận dụng C/O rất thấp, đường hướng mở rộng tận dụng các FTA chưa rõ, tức mở cửa thế thôi nhưng chưa nói làm cái gì. Ví dụ như dệt may, trong CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Hiệp định Việt Nam - EU từ vải trở đi, ít có tác động hơn.
Chưa kể nhiều DN chưa hiểu hết về hội nhập. Ký kết thương mại nhưng làm sao phải có đánh giá chuyên sâu, chuyên nghiệp về những tác động của FTA để qua đó có chuẩn bị, vì bản chất các loại FTA là khác nhau, đối với những thị trường khác nhau. Phải làm sao FTA ngoài vấn đề thúc đẩy thể chế còn kiến tạo phát triển nếu không sẽ bị loại dần.
Tóm lại, làm sao cơ hội từ CMCN 4.0 và hội nhập chúng ta hấp thụ được thậm chí là làm tốt lên như một số nước, không chúng ta sẽ tụt hậu càng ngày càng xa.
Những kịch bản tăng trưởng và giải pháp
Năm 2020, Chính phủ dự kiến mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP... Những mục tiêu này có thể đạt được khi đã có một năm “tạo đà” 2019 rất thành công không hay không, thưa ông?
- Đánh giá chung, tôi cho rằng có thể đạt được, xét về những nguyên nhân thành công 2019 từ cách nhìn tổng cung, tổng cầu, thiên thời địa lợi nhân hòa. Năm 2020 dự đoán nghiên cứu của tôi có 3 kịch bản. Kịch bản thấp là có những điều kiện bất lợi cho Việt Nam ví dụ bị thiên tai, dịch bệnh, hạn hán khiến bị mất mùa và xâm mặn, Trump có thể áp dụng một số biện pháp nào đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu đến chúng ta. Căng thẳng trên biển Đông gia tăng mạnh mẽ hơn.
Trong kịch bản như vậy, tôi đánh giá tăng trưởng GDP 2020 là 6,9%. Kịch bản trung bình, mọi việc diễn ra bình thường không có gì đột biến, GDP đạt được 7%. Kịch bản cao (lạc quan) khi Việt Nam có những nỗ lực cắt giảm lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát kiềm chế, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ môi trường kinh doanh (thực chất), đẩy mạnh đầu tư công từ khu vực ngân sách T.Ư, yếu tố bên ngoài cũng phải thuận lợi từ kinh tế thế giới phục hồi, Trump lại áp dụng trừng phạt thương mại với Trung Quốc, Việt Nam và EU thông qua Hiệp định EVFTA… thì GDP tăng trưởng khoảng 7,1%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2020 cao nhất, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?
- Trước hết phải ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, có được mức lãi suất ổn định hoặc giảm từ đầu năm, hoặc ít ra như mức trung bình của năm 2019, có biện pháp thúc đẩy DN khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy xuất khẩu. Có những bước chuẩn bị sát thực tế chuyên nghiệp, kiến tạo phát triển để tận dụng CMCN 4.0, tận dụng tác động tích cực từ các FTA thế hệ mới. Tháo gỡ những rào cản khó khăn trong đầu tư công từ ngân sách T.Ư, nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương, không lỏng lẻo; nỗ lực. thúc đẩy giải ngân từ khu vực FDI… Nỗ lực cổ phần hóa DN Nhà nước có hiệu quả, hiệu lực hơn nữa.
Quan trọng hơn cả là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh do đó các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!