Phố Wall chấm dứt chuỗi ngày giảm điểm bằng phiên hồi phục mạnh mẽ đêm qua, khi nhà đầu tư lạc quan về những nỗ lực mới nhất của giới chức châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đã đeo bám khu vực này suốt thời gian dài vừa qua. Chốt phiên giao dịch 28/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiến 291,23 điểm, tương ứng 2,59%, lên 11.523,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 33,88 điểm, tương ứng 2,92%, lên 1.192,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhảy 85,83 điểm, tương ứng 3,52%, lên 2.527,34 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch ở mức thấp, điều này cho thấy tâm lý hoài nghi vẫn còn ở mức cao. Chỉ khoảng 6,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 8 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Phiên hôm qua, thị trường phản ứng tích cực sau khi tờ La Stampa (Italy) cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể cấp cho Italy khoản vay 790 tỷ USD với lãi suất thấp, trong bối cảnh tân Thủ tướng Mario Monti đang đối mặt với áp lực đòi đẩy nhanh biện pháp chống khủng hoảng. Theo tờ báo này, các quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhấn mạnh rằng khoản cho vay trị giá trên sẽ giúp ông Monti có được một khoảng thời gian kéo dài từ 12 tới 18 tháng để thực hiện các biện pháp ngân sách khẩn cấp và cải cách để thúc đẩy tăng trưởng. IMF sẽ đảm bảo mức lãi suất 4 - 5% đối với khoản vay trên, tốt hơn nhiều so với lãi suất đi vay trên các thị trường nợ, nơi mà lợi suất trái phiếu của Italy thời hạn 2 năm và 5 năm đã lên trên 7%. Giới phân tích cho rằng, Italy cần tái cung cấp tài chính khoảng 400 tỷ Euro trong năm tới. Tuy nhiên, người phát ngôn của IMF ngày 28/11 nói thiết chế này chưa có các đàm phán với Chính phủ Italy về kế hoạch cứu trợ. Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng với nguồn tài chính hiện nay là 385,5 tỷ USD, IMF sẽ không đủ khả năng cấp một khoản vay lớn như vậy. Một thông tin khác cũng được xem như yếu tố có tác động tích cực tới thị trường là việc Đức và Pháp đang đẩy nhanh quá trình hội nhập của Khu vực đồng tiền chung châu Âu trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày 9/12 tới. Cuối tuần qua, lãnh đạo Pháp, Đức đã thảo luận về cách thức đặt ra cơ chế kiểm soát ngân sách ngặt nghèo hơn đối với các nước Khu vực đồng Euro thông qua một thỏa thuận khu vực hoặc một thỏa thuận tách biệt với hiệp ước ổn định và tăng trưởng của EU, liên quan đến 8-10 nước. Cùng với thông tin tại châu Âu, việc doanh số bán lẻ trong ngày "Thứ sáu đen" hôm 25/11 vừa qua ở Mỹ cũng góp phần mang lại sự lạc quan cho giới đầu tư cổ phiếu trên thị trường, đẩy nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Theo tính toán sơ bộ của công ty nghiên cứu ShopperTrak (có trụ sở tại Chicago), doanh số bán lẻ của Mỹ trong ngày "Thứ sáu Đen" (ngày mở đầu cho mùa mua sắm vào dịp cuối năm ở Mỹ, năm nay rơi vào ngày 25/11) tăng 6,6% so với năm ngoái, lập mức cao kỷ lục 11,4 tỷ USD. Diễn biến cùng chiều với thị trường chứng khoán Mỹ, các sàn châu Âu tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch đêm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 2,87% lên mức 5.312,76 điểm. Chỉ số DAX của Đức tiến 4,6% lên mức 5.745,33 điểm. CAC 40 của Pháp nhảy 5,46% lên 3.012,93 điểm. Trước đó, các thị trường châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm mạnh trở lại, cũng xuất phát từ tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang cân nhắc kế hoạch cứu trợ Italy, Đức và Pháp đang thảo luận đẩy nhanh quá trình hội nhập của Khu vực đồng Euro, và doanh số kỷ lục của Mỹ hôm 25/11. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) tăng hơn 2%, sau khi giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 10 trong phiên cuối tuần trước. Dẫn đầu khu vực về mức tăng điểm là thị trường Hàn Quốc, với chỉ số Kospi nhảy 38,88 điểm (+2,19%) lên 1.815,28 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,97% lên 18.037,80 điểm. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến 1,91% lên 2.694,43 điểm. Chỉ số Taiex của Đài Loan tăng 1,68% lên 6.898,78 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,56%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc nhích nhẹ 0,12%.