Phố Wall khởi sắc ngay trong tuần giao dịch đầu 2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuần vừa qua là một tuần giao dịch khá đặc biệt đối với các thị trường cổ phiếu toàn cầu, bởi nó vừa khép lại năm cũ 2012 và vừa mở ra năm mới 2013.

Điều này càng được quan tâm hơn tại Mỹ- nơi mà chủ đề “vách đá tài chính” luôn chi phối diễn biến các sàn giao dịch chứng khoán trong suốt nhiều ngày qua, do giới đầu tư vẫn luôn thường trực mối lo ngại rằng nếu Chính phủ và Quốc hội Mỹ không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề ngân sách thì các kế hoạch tăng thuế và giảm chi tiêu công sẽ tự động có hiệu lực ngay khi năm 2013 bắt đầu, đe dọa đẩy nền kinh tế số một thế giới rơi trở lại suy thoái.

Phố Wall khởi sắc ngay trong tuần giao dịch đầu 2013 - Ảnh 1
 
Phố Wall khởi sắc. (Nguồn: schlagzeilen.de)
 
Tuy nhiên, vượt qua những rào cản tâm lý về tình trạng bất ổn tài chính của Mỹ, Phố Wall đã ghi nhận một tuần giao dịch khả quan ngoài dự kiến.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần và cũng là phiên giao dịch cuối cùng của năm 2012 (31/12), thông tin cho hay Quốc hội Mỹ đang tiến gần tới một thỏa thuận nhằm đảo ngược "số phận" của "vách đá tài chính" đã giúp các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ bật tăng mạnh mẽ.

Sau một ngày đóng cửa nghỉ lễ, Phố Wall tiếp tục giao dịch trở lại trong ngày 2/1 với “sắc xanh,” khi Hạ viện Mỹ chính thức thông qua dự luật nhằm tránh cho nền kinh tế Mỹ vấp phải "vách đá tài chính" với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống. Trước đó, Thượng viện cũng đã bỏ phiếu phê chuẩn dự luật nói trên với số phiếu thuận áp đảo lượng phiếu chống, theo tỷ lệ 89/8.

Theo dự luật mới này, mức thuế đối với những gia đình có thu nhập trên 450.000 USD mỗi năm sẽ tăng từ 35% lên 39,6%, và lượng khấu trừ mà họ có thể được hưởng để giảm bớt hóa đơn thuế có thể sẽ bị hạn chế, nhờ đó bổ sung thêm 620 tỷ USD vào nguồn thu ngân sách Mỹ trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, người lao động sẽ phải đóng thêm 2.000 USD mỗi năm khi chính sách cắt giảm thuế thu nhập tạm thời hết hạn. Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi tiêu tự động 109 tỷ USD sẽ được hoãn lại hai tháng. Mối lo ngại về kịch bản tái suy thoái của kinh tế Mỹ được xoa dịu đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức tăng tốt nhất trong vòng một năm qua ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới. Đáng chú ý là chỉ số S&P 500 “vọt” lên mức cao nhất kể từ ngày 14/9/2012.

Tuy nhiên, tới phiên giao dịch sau đó (3/1), các chỉ số chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm nhẹ, chủ yếu do làn sóng bán tháo chốt lời của giới đầu tư sau hai phiên tăng điểm ấn tượng. Ngoài ra, Phố Wall còn chịu sức ép đi xuống khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy một số nhà hoạch định chính sách chủ chốt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tính đến khả năng chấm dứt các chương trình kích thích kinh tế thông qua việc mua lại trái phiếu trong năm 2013 này.

Theo nội dung cuộc họp chính sách 11-12/12/2012 vừa được công bố ngày 3/1, các nhà hoạch định chính sách của FED đã không tìm được tiếng nói chung về thời điểm kết thúc các chương trình nới lỏng định lượng (QE), khi một số chọn giữa năm trong khi số khác lại cho rằng nên vào cuối năm. Biên bản cuộc họp cũng cho thấy tốc độ mở rộng bảng cân đối tài chính hiện ở mức 2.900 tỷ USD của FED đã chậm lại.

Một số quan chức cho rằng có lẽ đã thích hợp để hạn chế hoặc dừng hẳn các chương trình mua tài sản trước cuối năm 2013, xuất phát từ những quan ngại về quy mô của bảng cân đối này. Những bất đồng trên giữa các quan chức của FED ngay lập tức có ảnh hưởng xấu tới thị trường toàn cầu, bất chấp những tác động tích cực từ dự luật tránh “vách đá tài chính.”

Tới phiên giao dịch cuối tuần (4/1), Phố Wall lại đảo chiều tăng nhờ các số liệu đáng khích lệ từ thị trường việc làm và lĩnh vực dịch vụ của Mỹ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 12/2012, nước này đã tạo thêm được 155.000 việc làm thuộc khu vực phi nông nghiệp.

Con số này mặc dù vẫn thấp hơn một chút so với mức tương ứng của tháng 11/2012 và không đủ để tạo cho giới đầu tư một sự lạc quan về triển vọng tươi sáng của kinh tế Mỹ, song đây vẫn là một tín hiệu tốt giữa bối cảnh những bất ổn tài chính đang hoành hành nước Mỹ trong nhiều tháng qua.

Bên cạnh đó, việc Viện Quản lý nguồn cung của Mỹ công bố báo cáo cho thấy hoạt động khu vực dịch vụ Mỹ trong tháng 12 đã tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 10 tháng qua cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của chứng khoán Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 43,85 điểm, tương đương 0,33%, lên mức 13.435,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ tăng khiêm tốn 1,09 điểm (0,04%), lên 3.101,66 điểm, do mức sụt giảm 2,8% giá cổ phiếu của tập đoàn công nghệ máy tính Apple. Tuy nhiên, ấn tương nhất trong phiên này là chỉ số S&P 500, khi tăng 7,10 điểm (0,49%), lên 1.466,47 điểm, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 12/2007. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 3,8%, Nasdaq ghi thêm 4,77% và S&P 500 tiến 4,57%.