“Check var” sao kê, tăng niềm tin
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trong những ngày qua, rất nhiều cơ quan, DN, tổ chức, tập thể, cá nhân ở trong nước và ngoài nước đã chủ động liên hệ để ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ. Có cá nhân ủng hộ 50.000 đồng, có người 100.000 đồng; có những tài khoản cá nhân, tổ chức ủng hộ số hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Trong đó, có người chủ động không xưng danh mà âm thầm ủng hộ, đây là những nghĩa cử rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam công bố sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ với hơn 12.000 trang, nhiều thông tin về việc có người chuyển khoản 100.000 đồng nhưng chỉnh sửa ảnh để thành chuyển khoản 100 triệu đồng, 500.000 đồng nhưng cố tình che số tiền bằng 8 icon (tượng trưng 8 chữ số) để nhiều người nghĩ là đã ủng hộ 500 triệu đồng. Thậm chí, có những nội dung nhân danh tập thể nhưng số tiền chuyển khoản là 10.000 đồng, 20.000 đồng.
Điều đáng nói, khi sự việc bị phanh phui, những cá nhân này chỉ cần xin lỗi qua loa, hoặc đôi khi giải thích lý do "thiếu hiểu biết" để xin tha thứ. Việc làm kể trên còn khiến nhiều cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng, giảm niềm tin vào những giá trị nhân văn.
Đơn cử, ngày 13/9, Bộ VHTT&DL đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 T.Ư đề nghị xử lý thông tin xuyên tạc, sai sự thật về việc có tài khoản gửi ủng hộ lũ lụt 10.000 đồng ghi "Tập thể anh em Rạp Xiếc T.Ư ủng hộ".
NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, anh đang đi công tác ở Nga và rất bức xúc trước thông tin này. Anh đang làm đơn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam để xác minh thông tin tài khoản gửi 10.000 đồng mạo danh Rạp Xiếc T.Ư. “Ủng hộ bao nhiêu cũng quý giá. Liên đoàn Xiếc Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ VHTT&DL, hưởng ứng lời kêu gọi từ Bộ, toàn bộ anh em nghệ sĩ trong đơn vị ủng hộ 1 ngày lương rồi chuyển tới Bộ để chuyển lên Ủy ban MTTQ Việt Nam" - NSND Tống Toàn Thắng nói. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói thêm, một cơ quan Nhà nước thì làm việc có quy trình, chuyên nghiệp, không ai gửi ủng hộ đồng bào với số tiền như vậy.
Nhìn nhận ở góc độ khác, Phó Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Trung Thành cho biết, việc Ủy ban MTTQ Việt Nam công khai hơn 12.000 trang sao kê là điều tích cực, đáng khuyến khích để minh bạch khoản tiền ủng hộ. Nhìn nhận về hiện tượng photoshop sao kê, “phông bạt” như cách dân mạng lên án, ông Nguyễn Trung Thành cho rằng đây không phải đa số.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi minh bạch hoạt động, chúng ta sẽ hạn chế được điều đó. Thực tế, việc Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam công bố sao kê đã mang lại hàng loạt chuyển biến, vừa tạo niềm tin của người dân, vừa hạn chế gian lận.
Xử lý nghiêm vi phạm
Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật: “Trái với mục đích nhân đạo, một số đối tượng đã lợi dụng các hoạt động quyên góp, từ thiện để trục lợi. Điều này thật đáng lên án, phê phán. Cơ quan chức năng cần chủ động vào cuộc để ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Nhà nước cũng cần có những biện pháp kịp thời để cảnh báo lừa đảo tới người dân”.
Theo khoản 3, 4 Điều 4 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì việc vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện… Cùng với đó, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Do đó, giả sử cơ quan chức năng xác định các đối tượng có hành vi trục lợi tiền từ thiện, vi phạm pháp luật thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà các đối tượng có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điểm C khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất nếu là người nước ngoài. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 2 lần cá nhân vi phạm.
Nếu hành vi trục lợi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 174 hoặc Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Về việc nhiều ý kiến cho rằng việc công khai thông tin sao kê là vi phạm về bảo mật thông tin, luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ, sao kê chỉ thể hiện nội dung tên người ủng hộ, mã chuyển khoản và số tài khoản. Đây là những thông tin giao dịch bình thường mà bất kỳ ai khi thực hiện giao dịch đều có thể thấy. Những thông tin này không phải những thông tin cá nhân mang tính bảo mật. Do đó, việc công khai này không xâm phạm tới quyền bí mật thông tin của cá nhân.
Bên cạnh đó, việc sao kê phục vụ vì mục đích cộng đồng. Người dân đồng thuận việc sao kê, công khai số tiền đã ủng hộ để đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả sau bão. Xét trên phương diện quản lý Nhà nước, hành động công khai thông tin sao kê này không những giúp Ủy ban MTTQ minh bạch hóa số tiền quyên góp mà còn tăng cường lòng tin và sự đồng thuận từ phía công chúng. Luật pháp được thiết lập với mục đích duy trì trật tự xã hội và đảm bảo công bằng, minh bạch. “Vì vậy, nếu việc sao kê thông tin phục vụ lợi ích chung cho cộng đồng là không vi phạm quy định pháp luật và nên được khuyến khích” - luật sư Diệp Năng Bình khẳng định.