Phòng bệnh đúng cách khi trời trở lạnh

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miền Bắc đang trải qua đợt lạnh nhất kể từ đầu mùa Đông, có nơi rét đậm. Trời trở lạnh gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, nhất là với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… sức đề kháng kém nên dễ bị nhiễm bệnh.

Dễ mắc nhiều bệnh khi trời lạnh

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, với thời tiết giá lạnh như hiện nay, người già và trẻ nhỏ rất dễ mắc phải nhiều bệnh.

Khi nhiệt độ giảm sâu, trẻ rất dễ bị ốm, nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là với những trẻ phải đến trường trong ngày lạnh. Do đó, với trẻ đi học trong buổi sáng rét mướt, cha mẹ phải giữ ấm toàn thân cho trẻ.

Phòng bệnh đúng cách khi trời trở lạnh - Ảnh 1

Tuy nhiên, nhiều trẻ lại nhiễm lạnh, vì sai lầm của cha mẹ. Khi đưa trẻ đến trường, nhiều cha mẹ mặc ấm nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu.

Ngược lại, nhiều cha mẹ lại ủ ấm quá kỹ với suy nghĩ “càng kín càng tốt”. Việc làm này đôi khi lại có thể gây thêm bệnh cho trẻ. Bởi thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn rất nhạy cảm với những thay đổi thời tiết đột ngột. Khi mặc quá kín, ủ quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, ngực, đầu rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi...

Việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm trên da khiến trẻ bứt rứt, khó chịu.

Ngoài ra, trời lạnh cha mẹ thường có thói quen giữ trẻ trong nhà kín gió, không cho ra ngoài. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ thiếu vitamin D, giảm sức đề kháng, dễ lây các bệnh truyền nhiễm.

Theo chuyên gia, trong những ngày thời tiết lạnh sâu, cha mẹ cần chủ động theo dõi nhiệt độ thời tiết trong ngày qua bản tin thời sự để cân nhắc có nên đưa trẻ tới trường hay không.

Đặc biệt, cha mẹ để ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong mùa lạnh, cho trẻ uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Mùa lạnh thường có virus tiêu chảy nên việc ăn uống cho trẻ phải đảm bảo sạch sẽ, nóng sốt. Vệ sinh, rửa tay cho trẻ thường xuyên để tránh tay mang mầm bệnh.

Khi trẻ bị ho kéo dài thì cần đưa trẻ đi khám chứ không nên tự ý mua thuốc, mua kháng sinh cho trẻ về điều trị tại nhà. Nếu trẻ mắc cúm, nhiễm virus bị ho, sổ mũi mà cha mẹ lại dùng kháng sinh bệnh sẽ không khỏi mà còn nặng hơn.

Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi, không đúng thuốc, không đủ liều còn khiến trẻ dễ kháng kháng sinh, bệnh nhẹ cũng khó khỏi.

Chăm sóc đúng cách

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, các đợt không khí lạnh về, thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ giảm sâu khiến nhiều người mắc các bệnh tai mũi họng và tới bệnh viện khám rất đông.

Do đó, chuyên gia lưu ý những bệnh thường gặp khi gió lạnh về như viêm họng, cảm cúm, viêm mũi dị ứng… Khi bị bệnh, người dân cần phải thăm khám thay vì tự ý mua thuốc vì các bệnh tai mũi họng triệu chứng rất giống nhau, chưa tính tới việc bị "nhờn" thuốc hay để bệnh diễn tiến nặng.

Ngoài ra, người dân cũng cần giữ ấm cơ thể, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng và chú ý giữ gìn sức khỏe tăng sức đề kháng vào thời điểm này.

Thông thường là các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, ho, viêm họng, sổ mũi,... Chăm sóc sức khỏe đúng cách khi trời lạnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh lây nhiễm, chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết.

Những ngày trời lạnh cha mẹ cần chú ý hai vấn đề trong chăm sóc trẻ là ủ ấm cho trẻ và tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các món ăn ấm, dễ tiêu hóa
Những ngày trời lạnh cha mẹ cần chú ý hai vấn đề trong chăm sóc trẻ là ủ ấm cho trẻ và tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các món ăn ấm, dễ tiêu hóa

Theo các chuyên gia y tế, những ngày trời lạnh cha mẹ cần chú ý hai vấn đề trong chăm sóc trẻ là ủ ấm cho trẻ và tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các món ăn ấm, dễ tiêu hóa, bổ sung thêm vitamin, nhất là các loại trái cây giàu vitamin C như nước cam tươi. Các gia đình cũng nên cho trẻ em, người già, phụ nữ chuẩn bị mang thai... đi tiêm vaccine phòng cúm.

Các chuyên gia khuyến cáo, với trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Do đó, phòng bệnh cho trẻ khi trời lạnh bằng cách cho trẻ vui chơi nơi kín gió. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ, đặc biệt là ban đêm.

Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... nhất là khi trẻ ở ngoài đường. Khi trẻ chơi đùa ra mồ hôi, cần lau mồ hôi, vì nếu không trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi… Cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

Với người lớn tuổi, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, không nên tắm và gội cùng lúc. Đặc biệt cũng nên chú ý đến dinh dưỡng, mặc đủ ấm và nên chú ý theo dõi sức khỏe, đặc biệt là người có bệnh nền. Trong trường hợp có bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế, không nên để người bệnh ở nhà để "tự chữa" có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Ở người già yếu, người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, khi trời lạnh dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não, đột quỵ, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt, tê cóng... Bên cạnh đó, thời tiết lạnh kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng co mạch, từ đó, dẫn đến bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não…

Với người lớn tuổi, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, không nên tắm và gội cùng lúc.
Với người lớn tuổi, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, không nên tắm và gội cùng lúc.

Người cao tuổi và những người có nguy cơ cao tăng huyết áp, bệnh tim mạch cần lưu ý kiểm soát huyết áp của mình, tránh uống rượu bia, giảm ăn mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đội mũ, mang tất chân, găng tay đầy đủ... Không thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tai biến do não thiếu máu. Khi tỉnh giấc nên nằm trên giường một lúc cho tỉnh hẳn, sau đó ngồi dậy, chờ một lúc rồi đặt hai chân xuống giường, tiếp tục chờ một lúc mới đứng dậy bước đi.

Noài ra, người cao tuổi nên tránh ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm. Việc vận động, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý cần được thực hiện nghiêm túc trong sinh hoạt hằng ngày; cần ăn đủ chất, tăng cường cá, ngũ cốc thô và rau quả; hạn chế các loại thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ ngọt, rượu, thuốc lá.

Người cao tuổi nên ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như: cháo, súp, sữa, bột dinh dưỡng; ăn nhiều rau quả tươi; uống các vitamin tổng hợp, uống đủ nước.

 

Thực phẩm chính là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết để giữ ấm cơ thể trong mùa đông. Do đó, chúng ta muốn giữ ấm cơ thể tốt nhất thì nên ăn đủ bữa và nạp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Nên uống từ 6 - 8 ly nước mỗi ngày để giữ nước và luôn luôn giữ cho cơ thể được ấm. Điều này sẽ có lợi ích lớn trong việc tránh cho cơ thể bị giảm nhiệt độ, khiến chúng ta dễ mắc các bệnh hô hấp như ho, sổ mũi hoặc cảm lạnh, nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi. Duy trì tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày và bổ sung đầy đủ vitamin…