Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phong cách Sơn Tùng qua tác phẩm viết về Bác Hồ

Kinhtedothi - Nhà văn Sơn Tùng giã từ cuộc đời ở tuổi đã cao (1927 - 2021). Nhà văn tài năng này đã đi xa, song tôi cứ ngỡ như ông vẫn chưa giã từ sự nghiệp văn chương, bởi ông đã để lại hàng ngàn trang sách quý cho hậu thế.
Chuyện kể về Bác Hồ
Ông đã dành phần lớn sự nghiệp sáng tác để viết về Bác Hồ. Ngoài những bài báo, bài thơ, ông đã xây dựng tiểu thuyết “Búp sen xanh” (1982) viết về thời niên thiếu của Bác; tiếp đến “Bông sen vàng” (1990) viết sâu về những năm tháng Người theo cha mẹ vào kinh đô Huế học tập.
 Nhà văn Sơn Tùng
Truyện “Bác về” (2000) là hình ảnh Bác thời kỳ Cách mạng tháng Tám, và những ngày Thủ đô cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp 1946. “Trái tim quả đất” (1999) viết về Bác đi chiến dịch Đông Khê (1950) giữa mưa ngàn suối lũ Cao - Bắc - Lạng. Cuốn “Hoa râm bụt” (1998) tập hợp các bài viết xung quanh Bác. Tiếp đến “Nhớ nguồn” và kịch bản điện ảnh “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” cùng một số tác phẩm khác, tất cả hơn 12 cuốn.

Sơn Tùng đã khắc họa tính cách Bác Hồ trên quá trình tìm đường cứu nước. Điều đầu tiên tạo nên thành công của các tác phẩm là ở yếu tố chân thật qua nhiều câu chuyện kể của các nhân chứng.

“Một sáng mùa Đông 1950. Kim Côn bưng bát cháo bữa ăn sáng lên bàn Bác Hồ. Cháo nóng, anh bưng đi mấy bước phải đặt xuống, xoa hai tay vào mang tai. Lại bưng tiếp đến bàn ăn. Nhác thấy, Bác cười: Cháu Nam (Kim Côn), cháu khá thông minh, sao cái việc này cháu lại dốt thế! Bưng cháo nóng thì phải đặt vào cái đĩa hay cái rá chứ” - Trích tác phẩm “Hoa râm bụt".

Khắc họa chân dung Hồ Chí Minh

Qua hàng ngàn trang viết, Sơn Tùng phác họa được chân dung Bác Hồ - một con người bình thường mà trí tuệ hết sức sáng láng. Đúng như vậy, sau những tháng ngày lênh đênh trên các đại dương mênh mông tìm đường cứu nước, rồi chính ngay trên đất Pháp, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc dũng cảm bước vào con đường cách mạng đã bắt gặp được chủ nghĩa Lê Nin qua cuốn “Vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Từ đấy, cuốn sách này trở thành cẩm nang quý theo suốt quá trình hoạt động của Bác. Lý tưởng cao đẹp ngày càng được thăng hoa với tất cả trí sáng tạo nhằm cứu nguy cho dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ.

Đối với những người cầm bút, điều khó khăn trong viết ký sự và truyện lịch sử từ xưa đến nay là ở mối quan hệ giữa hiện thực và tưởng tượng. Nếu viết dã sử huyền thoại thì người cầm bút có thể phóng tác tự do, vì chỉ cần dựa vào “một cái đinh” lịch sử có thật nào đó, rồi cứ bịa, chẳng cần đến lôgic khách quan của đời sống. Điều đó thuộc phạm trù của dòng lãng mạn duy tâm chủ quan. Ngược lại, ngòi bút Sơn Tùng chú ý khảo sát những điều có thật gắn liền với các tình huống điển hình nhằm làm nổi bật tính cách của nhân vật chính.

Nổi bật là chuyện bà Hoàng Thị Minh Hồ - chủ ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản “Tuyên ngôn độc lập” nhân ngày đại lễ, bà được mời đứng trên lễ đài Ba Đình, kể lại: “Hai giờ chiều, tiếng hô to kéo dài vang vọng: Chào cờ! Cả một biển người im phăng phắc. Đoàn quân nhạc cử Quốc ca. Người tôi sởn gai ốc, nước mắt lặng lẽ chảy trên má nóng ấm. Tôi nhìn lên kỳ đài thấy cụ Nguyễn Văn Tố cầm chiếc ô che nắng cho ông cụ ở gác hai ngôi nhà của tôi lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dõng dạc đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”. Nước mắt lại giàn giụa, tôi thấm dần hai khăn mùi xoa, ngây ngất quá, nhưng vẫn nghe rõ lời ông cụ đọc. Tôi lại bâng khuâng liên tưởng đến những đêm tiếng máy chữ của ông cụ gõ vang trong khuya khoắt tạc nên áng văn rửa cái nhục mất nước ngót trăm năm và khai sinh ra nước Việt Nam Mới của ngàn năm tiên tổ mà đi vào tương lai” - trích tác phẩm “Bác về”.

Tâm tư của bà Minh Hồ quả thật đã hòa nhập vào lịch sử của đất nước, bởi lẽ ông bà vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước lại được nhân lên gấp bội khi chứng kiến con người đạo đức của Bác. Điều đó tạo nên sức mạnh không dễ gì có được ở thời kỳ đất nước đang ngàn cân treo sợi tóc.

Bên cạnh đó, tác giả chú ý khắc họa tính cách giản dị của một con người bình thường như mọi người dân Việt khác từng được sinh ra và lớn lên sau lũy tre xanh giữa họ hàng làng xóm thân thương. Ưu điểm nổi bật của nhà văn là không thần thánh hóa, cũng không sùng bái cá nhân lãnh tụ, mà chỉ cá thể hóa một chân dung sinh động giữa đời thường như hạt lúa, củ khoai không chút tô vẽ.

Điều đáng quý là Sơn Tùng đã tạo dựng được nét hấp dẫn qua nhiều câu chuyện kể từng xảy ra tự nhiên xung quanh Bác theo lối dân gian. Chẳng hạn, ông Đào Nhất Vinh, một Việt kiều 80 tuổi về nước, kể lại rằng, một lần tới Paris thăm anh Nguyễn đúng vào lúc anh đang làm giỗ mẹ:

“Nghe tiếng gõ cửa, anh Nguyễn hé từ từ cửa phòng, thấy tôi: Chú Vinh! Vào đi em! Tôi bối rối nhìn vào cái bàn bên cửa sổ, nơi anh làm việc thường ngày đang là bàn thờ hương khói nghi ngút. Ngọn nến sáng lắt lay bên con gà ngậm bông hoa râm bụt ấp trên đĩa xôi. Anh Nguyễn bùi ngùi: Ngày giỗ mẹ anh. Hai mươi năm về trước… 22 tháng Chạp năm Canh Tý, mẹ anh qua đời!”.

Qua đây, người đọc phần nào hình dung được giữa một căn phòng nhỏ tại ngõ Côngpoanh - Thủ đô nước Pháp có một trái tim nhân hậu thủy chung đang thổn thức nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ về quê hương đất tổ và đồng bào.

Nhìn lại các tác phẩm được viết theo lối kể dân gian, nhà văn Sơn Tùng đã định hình được một phong cách viết về Bác Hồ đem lại cho bạn đọc trong và ngoài nước hiểu rõ sự nghiệp cao đẹp của người anh hùng dân tộc ở thời đại mới.

Với tài năng của mình, Sơn Tùng đã khẳng định một phong cách viết truyện lịch sử danh nhân góp phần đáng kể vào nền văn học hiện đại. Điều cần thiết là người viết phải làm sao không tách rời nhân vật lịch sử với nhịp bước thăng trầm của vận mệnh dân tộc. Điều này không chỉ đòi hỏi tài năng sáng tạo, mà còn phải kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ sắc sảo gắn liền với vốn kiến thức cần thiết.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Bắc Giang dôi dư 77 trụ sở sau khi sắp xếp cấp xã

Tỉnh Bắc Giang dôi dư 77 trụ sở sau khi sắp xếp cấp xã

03 May, 01:19 PM

Kinhtedothi - Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã và huyện trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang dự kiến tiếp tục sử dụng 171 trụ sở, đồng thời dôi dư 77 trụ sở, trong đó phần lớn là trụ sở cấp xã.

Đặc xá dịp 30/4 - 1/5: minh chứng của lòng khoan dung và niềm tin cải hóa

Đặc xá dịp 30/4 - 1/5: minh chứng của lòng khoan dung và niềm tin cải hóa

01 May, 04:44 PM

Kinhtedothi - Sáng 1/5/2025, tại Trại tạm giam Công an TP Đà Nẵng, Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an TP, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự, Trưởng Tiểu ban Chỉ đạo đặc xá đã chủ trì Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 34 phạm nhân đủ điều kiện được tha tù trước thời hạn, đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ thuộc Công an TP.

Biển người đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh chờ xem pháo hoa

Biển người đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh chờ xem pháo hoa

30 Apr, 07:35 PM

Kinhtedothi - Mặc dù thông báo 21 giờ mới tổ chức bắn pháo hoa nhưng ngay từ sớm hàng nghìn người dân đã kéo về khu trung tâm TP Hồ Chí Minh để để vui chơi, biểu diễn nghệ thuật 3D mapping và tìm vị trí đẹp chờ màn bắn pháo hoa mừng lễ 30/4.

Nam Định: tổ chức tuyên truyền chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 

Nam Định: tổ chức tuyên truyền chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 

30 Apr, 06:09 AM

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 30/3/2025 của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2025; Kế hoạch số 48/KH-CAT-PC07 ngày 07/3/2025 của Giám đốc Công an tỉnh Nam Định về việc thực hiện công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ