Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng cháy chữa cháy tại các chung cư: Còn nhiều vi phạm

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các tòa nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố quận Thanh Xuân thi nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Hồng Thái
Hàng loạt công trình xảy ra vi phạm
Mới đây, ngày 4/12, một vụ cháy lớn xảy ra tại một căn nhà chung cư trên phố Tôn Thất Tùng (phường Khương Thượng, quận Đống Đa) khiến đồ đạc bên trong bị thiêu rụi hoàn toàn. Trước đó, ngày 25/10, lực lượng Cảnh sát PCCC thuộc Công an quận Nam Từ Liêm và Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp kịp thời cứu nạn, hướng dẫn thoát nạn cho hàng chục cư dân bị mắc kẹt trong đám cháy tại tầng 10 khu chung cư B2 khu đô thị Mỹ Đình 2. Sự cố cháy xuất phát từ hộp kỹ thuật tại tầng 10 của tòa nhà, xuất hiện rất nhiều khói độc dày đặc gây nguy hiểm.
Công an TP đang hướng dẫn các quận, huyện xây dựng phương án phối hợp tạo thành các cụm liên kết giữa lực lượng PCCC ở các nhà cao tầng. Khi xảy ra cháy ở một nhà cao tầng nào đó thì lực lượng bảo vệ, lực lượng PCCC ở các khu chung cư bên cạnh có thể sang phối hợp hỗ trợ chữa cháy, hướng dẫn người dân thoát nạn. Ngoài ra, các quận, huyện cần tuyên truyền cho người dân nghiệp vụ PCCC bằng nhiều hình thức. Tại các khu chung cư, có thể tuyên truyền cho người dân ở ngay trong thang máy của các tòa nhà.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng, trên địa bàn Hà Nội có 150/180 tòa nhà chung cư tái định cư cần phải sửa chữa, nâng cấp, lắp mới hệ thống PCCC. Đối với công tác PCCC tại các công trình cao tầng và chung cư thương mại, Sở Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát PCCC TP thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCCC. Đến nay, còn 29/79 công trình nhà chung cư có vi phạm về PCCC, trong đó, 14 công trình có khả năng khắc phục, Cảnh sát PCCC TP đã hướng dẫn chủ đầu tư khẩn trương khắc phục theo đúng quy định. Còn lại 15 công trình khó khả năng khắc phục do ảnh hưởng đến kết cấu công trình, Cảnh sát PCCC TP đã xin ý kiến giải quyết của Bộ Công an và Bộ Xây dựng.

Mới đây, Thanh tra Hà Nội tiếp tục công khai kết luận thanh tra vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tại hàng loạt công trình nhà cao tầng. Trong đó, phần lớn các công trình được thanh tra đều chưa có Văn bản nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền. Một số công trình được đưa vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Dừng xây dựng nếu chưa thẩm duyệt về thiết kế PCCC

Theo các chuyên gia PCCC, tại các chung cư cao tầng luôn tồn tại một lượng chất cháy lớn, gồm đồ dùng sinh hoạt, các loại vật liệu nội thất trong căn hộ; dưới tầng hầm là xe máy, ô tô, vật liệu xăng, dầu. Mặt khác, nguy cơ xảy ra cháy còn bắt nguồn do sơ suất, thiếu ý thức của người dân như đốt vàng mã, vứt tàn thuốc lá vào chỗ dễ cháy nổ. Đám cháy xảy ra ở các tầng càng cao thì công tác tổ chức dập tắt đám cháy càng khó. Trên thực tế, có nhiều tòa nhà cao tầng trên 40 tầng, trong khi lực lượng cảnh sát PCCC được trang bị loại xe thang với chiều cao có hạn, cao nhất mới chỉ 72m. Đây cũng là trở ngại lớn nhất trong công tác PCCC tại các tòa nhà cao tầng.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, xử lý và giải quyết xong các dự án, công trình còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không để phát sinh công trình vi phạm mới. Đối với các công trình nhà, chung cư cao tầng đang thi công nhưng chưa thẩm duyệt về thiết kế PCCC, yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay hoạt động xây dựng…