KTĐT - Trung bình mỗi năm địa bàn Hà Nội xảy ra 250-300 vụ cháy thì có đến hơn 200 vụ là ở các hộ dân hoặc các hộ thuộc kinh tế tư nhân, gây thiệt hại về người cùng tài sản ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Nhất điện, nhì gas
Trung tá Lê Phi Hùng, cán bộ Đội Tổng hợp Phòng Cảnh sát PCCC CATP Hà Nội cho biết, 2 năm trở lại đây các vụ cháy nổ ở Hà Nội không còn theo quy luật cũ là thường xảy ra nhiều vào mùa hanh khô mà thực tế có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nguyên nhân chủ yếu là tai nạn khi sử dụng điện, khí gas hóa lỏng... nhưng đằng sau tất cả là sự chủ quan, thiếu cảnh giác của chính người dân.
Cùng với điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như điều hòa, tủ lạnh, lò sưởi... của người dân tăng cao trong khi đường dây tải điện đã trở nên cũ kĩ, ít được quan tâm bảo trì lại bị quá tải nên rất dễ dẫn đến chập, cháy. Hơn nữa trong các ngày lễ, tết, sự bất cẩn của người dân khi thắp hương, đốt vàng mã cũng gây nhiều vụ cháy đáng tiếc, thậm chí năm nào Hà Nội cũng xảy ra cháy chùa vào dịp Tết Nguyên Đán, Thượng tá Tô Xuân Thiều, Trưởng phòng CS PCCC CATP Hà Nội nhận định.
Chỉ đứng sau điện trong những nguyên nhân hàng đầu gây cháy nổ trên địa bàn thành phố là khí gas hóa lỏng, hiện được hầu hết các hộ gia đình cũng như các hộ kinh doanh tư nhân sử dụng. Việc sử dụng gas hóa hỏng sẽ là mối nguy hiểm tiềm ẩn nếu người tiêu dùng không chọn mua từ những nhà cung cấp lớn, có uy tín bởi tất cả thiết bị sử dụng gas như bếp, bình gas, ống dẫn, van khóa phải là thiết bị "đặc chủng", đạt chất lượng đúng quy chuẩn và phải được thiết kế, lắp đặt đúng cách ở vị trí phù hợp. "Đã có trường hợp ở phố Hàng Bột, chính bản thân người đến lắp đặt bình gas gây cháy. Cửa hàng bán gas không có thợ chuyên trách, họ thuê người lái xe ôm chở bình gas đi và lắp luôn cho khách dẫn đến cháy nổ làm bị thương 5 người", Trung tá Lê Phi Hùng chia sẻ.
Phòng cháy không khó
Trong thời điểm mùa hè đang đến gần, không chỉ điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài gây không ít khó khăn cho công tác cứu hộ, chữa cháy mà những cơn mưa rào bất chợt cũng dễ gây chập điện dẫn đến cháy. Khi xảy ra sự cố cháy, cùng với việc gọi đến số điện thoại khẩn cấp 114, người dân cần bình tĩnh ngắt ngay nguồn điện trong nhà để giảm thiểu mức độ thiệt hại. Thêm vào đó là thường xuyên kiểm tra, bảo trì và nếu cần thiết thì thay mới đường điện, ổ điện trong nhà, không tiếp tục sử dụng khi có hiện tượng hở, dò, chập điện.
Mỗi hộ gia đình nên tự sắm cho mình ít nhất một bình xịt bột hoặc bình xịt khí CO2 để có thể tự xử lý bước đầu khi xảy ra sự cố cháy nổ, nhất là sự cố cháy xuất phát từ dò khí gas hóa lỏng vì trường hợp này sử dụng nước sẽ không hiệu quả. Người dân cũng nên lưu ý chỉ chọn mua thiết bị sử dụng gas từ các doanh nghiệp, cơ sở uy tín, các cơ sở này khi lắp đặt sẽ cung cấp cho người sử dụng thông tin cần thiết về quy tắc an toàn khi sử dụng bình gas và một số biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố. Chỉ lắp đặt bình gas ở nơi thông thoáng, tránh lối đi lại và đặt xa nguồn nhiệt, vật dễ cháy, đặc biệt không bao giờ đặt bình gas ở dưới tầng hầm vì khi khí gas bị dò, khả năng gây cháy, nổ sập cả toà nhà là rất lớn.
Chuẩn bị cho những đợt cắt điện luân phiên trong mùa hè nắng nóng sắp tới, để hạn chế những vụ cháy do sử dụng nến, đèn dầu thắp sáng, Thượng tá Tô Xuân Thiều khuyên người dân nên thắp nến vào đĩa làm từ vật liệu chống cháy như sứ, nhôm chứ không thắp trực tiếp lên bề mặt đồ dùng, càng tuyệt đối không để nến, đèn dầu lên nóc tủ, tivi hay để cạnh những vật liệu dễ bắt lửa như sách vở, rèm cửa.
Hiện nay ngoài đường dây nóng chính thức để báo sự cố cháy 114, chúng ta vẫn chưa có được một trang web hay số điện thoại riêng tư vấn về PCCC như cách lắp đặt, sử dụng bình gas, cách xử lý tình huống cụ thể... Tuy nhiên người dân và đại diện các cơ sở kinh doanh, sản xuất tại Hà Nội có thể đến Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội ở địa chỉ 29 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm để được giải đáp, tư vấn trực tiếp.