Nguy cơ lây nhiễm dịch caoTheo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại tỉnh Phú Yên và tại tỉnh Nghệ An. Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, TP khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Trong khi đó, đối với dịch tả lợn châu Phi, theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), từ ngày 3/8 - 9/11, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có trên 66 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh, trong đó nhiều tỉnh cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km. Tổng cộng đã có hơn 470.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Theo nhận định của Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam. Các hoạt động thương mại, du lịch của Nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa virus bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh đàn vật nuôi là rất cao, nhất là dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm, Gumboro, dại…). Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; không triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống theo quy định của người dân và chính quyền địa phương còn phổ biến. Phòng hơn chốngHiện nay đang vào cao điểm chăn nuôi cuối năm phục vụ cho thị trường thực phẩm Tết Nguyên đán 2019. Do đó, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh ngày càng cao. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các tỉnh, TP theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các địa phương đặc biệt đối với bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dại... Đồng thời tiếp tục hướng dẫn DN tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án về chuỗi sản xuất thịt lợn và chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để xuất khẩu. Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, Cục vừa tổ chức tập huấn về bệnh dịch tả lợn châu Phi cho các tỉnh phía Bắc và một số DN chăn nuôi lợn tại Hà Nội. Từ đó, chủ động nắm bắt tình hình cũng như thông tin kỹ thuật nhận biết về bệnh và thống nhất triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng bệnh là chính.Đối với TP Hà Nội, với tổng đàn gia súc, gia cầm trong nhóm lớn nhất cả nước, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, thực hiện tốt phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín cho biết, Trạm đã tổ chức tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh chuồng trại, quan tâm chế độ chăm sóc vật nuôi. Bên cạnh đó, tuyên truyền để các hộ thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không bán chạy gia súc gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh.