Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống dịch Covid-19: Dạy học trực tuyến có là giải pháp hữu hiệu?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dạy học trực tuyến là giải pháp được nhiều trường phổ thông áp dụng khi cho học sinh (HS) nghỉ ở nhà chống dịch virus Covid-19. Giải pháp này bước đầu mang lại hiệu quả trong tình thế bị động, tuy nhiên không phải trường nào cũng có điều kiện để triển khai.

Giáo viên trường THCS&THPT Ban Mai dạy học trực tuyến cho học sinh.
Giải pháp hữu hiệu trong tình thế bị động
Ngay từ khi TP Hà Nội có quyết định cho HS nghỉ học tránh dịch từ ngày 3/2/2020, nhiều trường phổ thông đã nghĩ đến việc làm sao để HS nghỉ ở nhà phòng, chống dịch nhưng vẫn không bị hổng kiến thức. Và hình thức dạy học trực tuyến được nhiều trường nghĩ đến. Đối với những trường trước đây đã triển khai dạy học online, thời gian này tiếp tục phát huy ưu thế.
Ông Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho hay: "Từ lâu nhà trường đã dạy học trực tuyến nên có bề dày, kinh nghiệm; về tiến độ chương trình không bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ có điều, sau này khi các con trở lại trường, chúng tôi sẽ dạy bù những phần kiến thức không chuyển tải qua online được, ví dụ như các tiết học thực hành, thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm, môn học thể chất, câu lạc bộ".
Để dạy học trực tuyến đối với tất cả HS từ khối lớp 6 đến lớp 12 được hiệu quả, khoa học, Ban giám hiệu trường THCS&THPT Ban Mai (quận Hà Đông) đã xây dựng kế hoạch bài bản. Trường Ban Mai đã xây dựng thời khóa biểu, tổng quan nội dung học tập trong từng tuần, phân công các tổ chuyên môn soạn giáo án online và giáo viên trực giảng dạy và hỗ trợ HS  online theo thời khóa biểu. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng thông báo kế hoạch và hướng dẫn cha mẹ HS cách hỗ trợ, giúp đỡ con học tập ở nhà.
“Đến nay, việc tổ chức dạy học online đã nhận được phản hồi tích cực của cha mẹ HS và HS. Đánh giá chung, việc dạy học trực tuyến đã đạt được mục tiêu nhà trường đặt ra trong điều kiện bất thường hiện nay” - ông Nguyễn Khánh Chung - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Ban Mai nhận định.
Do ở thế bị động nên nhiều trường phổ thông chỉ có thể tận dụng tối đa công nghệ thông tin (CNTT) để đảm bảo nhịp độ học tập của HS không bị gián đoạn quá lớn. Đơn cử, trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) triển khai dạy học online đối với các lớp HS cuối cấp.
“Để đảm bảo tiến độ chương trình, nhà trường đã xây dựng một số tiết học của những môn học cơ bản như Toán, Văn, Ngoại ngữ dạy online. Những lớp học không phải cuối cấp, nhà trường giao nhiệm vụ cho HS hệ thống hóa kiến thức, làm bài tập. Một số môn học khác, HS được giao thực hiện các dự án. Ví dụ, HS lớp 7 làm đèn lồng; tìm hiểu cơ chế, nguyên lý hoạt động, cách phòng tránh dịch bệnh virus Covid-19...” - Hiệu trưởng nhà trường THCS&THPT Lê Quý Đôn Nguyễn Quốc Bình chia sẻ. Đồng thời cho biết, hàng ngày các thầy cô tính toán thời lượng học trò làm bài và quy định thời gian nộp để kiểm tra. Nhà trường cũng bố trí thời gian cho HS tập thể dục buổi sáng, giúp đỡ bố mẹ việc nhà.
 Học sinh trường THCS&THPT Ban Mai học trực tuyến tại nhà.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, TP Hà Nội Phạm Thị Lệ Hằng: Chuẩn bị chu đáo mọi mặt mới nên áp dụng

Xây dựng một bài giảng trực tuyến không đơn giản, bởi nó phải đáp ứng nhiều tiêu chí, nhất là đối tượng đón nhận có thuận lợi khi nắm bắt hay không. Trong thời gian HS được nghỉ học để phòng, chống dịch, quận Hà Đông không áp dụng các lớp học online. HS nào có nhu cầu về bài giảng hay bài tập, phụ huynh sẽ sử dụng mạng xã hội (zalo, viber) để trao đổi.

Về mô hình học trực tuyến, muốn triển khai cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện, với mặt bằng chung trên toàn quốc, sau đó, thống nhất một giáo trình áp dụng cho mọi đối tượng. Các lớp học trực tuyến nên chăng chỉ áp dụng ở bậc đại học, hay trung học, còn các lứa tuổi tiểu học thì chưa nên. Bởi HS còn quá nhỏ, chưa phù hợp với các thiết bị công nghệ cũng như tiếp nhận bài giảng ảo.

Bảo Thắng ghi

Tận dụng lợi thế công nghệ thông tin
Dạy học trực tuyến đang là xu hướng được nhiều trường triển khai, nhưng nếu không có sự tính toán, kế hoạch bài bản hiệu quả cũng như đường truyền ổn định, hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
Chị Trần Thanh Thủy có con học lớp 4 tại trường Tiểu học Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) cho hay: Ban ngày hoặc buổi tối cô giáo đẩy phiếu bài tập lên zalo nhóm phụ huynh của lớp học, để các con làm bài tập
Các buổi tối học sinh ngồi trong phòng yên tĩnh, có máy tính kết nối mạng để học trực tuyến. Hôm đầu tiên, việc học và chữa bài trực tuyến suôn sẻ; hôm thứ hai trục trặc kỹ thuật nên cô giáo giảng bài online được hơn 30 phút, sau đó HS không nhìn thấy giáo viên. Thế là cô giáo đành gửi đáp án các bài qua zalo cho phụ huynh đối chiếu với kết quả con làm; phần nào sai thì chữa lại. Rút kinh nghiệm, từ các buổi học sau, cô giáo cho các con học sớm hơn.
Tuy nhiên, chị Thủy nhận xét: “Việc học trực tuyến không đạt được hiệu quả nhiều, dù giáo viên đã nhắc nhở nhưng nhiều HS vẫn nói chuyện riêng. Khi con học trực tuyến, bố mẹ luôn ngồi canh chừng đường mạng để lúc có vấn đề kỹ thuật xảy ra sẽ hỗ trợ kịp thời. Vì đường mạng yếu và chập chờn nên có phụ huynh gần cuối buổi học mới vào được mạng”.
Một HS lớp 9 trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) than phiền, ban đầu, mỗi bạn trong lớp được thông báo cấp tài khoản riêng để vào học trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều bạn vào theo hướng dẫn của nhà trường nhưng không được, có thể do nghẽn mạng. Thế rồi, sau đó, cô giáo gửi bài tập các môn Toán, Văn, Anh qua viber nhóm phụ huynh trong lớp để tải xuống cho HS làm.
Thực tế cho thấy, lãnh đạo nhiều trường phổ thông rất muốn thực hiện dạy học trực tuyến để việc học tập, tiếp nhận kiến thức của HS được liên tục nhưng lại gặp khó khăn về cơ sở vật chất, kết nối mạng... Trao đổi về câu chuyện dạy học trực tuyến, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng không phải gia đình nào cũng có nền tảng CNTT tốt và không phải HS nào cũng có khả năng tập trung, kỹ năng học online. Cho nên, việc dạy online ở những trường thuận lợi chỉ là giải pháp tình thế, để đảm bảo nhịp độ về học tập của HS không bị gián đoạn quá lớn.

Ông Nguyễn Khánh Chung gợi ý: Những trường không thể dạy học trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn HS, cha mẹ HS bằng các video hướng dẫn trên youtube

Để giải bài toán dạy học trực tuyến hiệu quả, từ thực tế tại trường THCS & THPT Ban Mai, ông Nguyễn Khánh Chung gợi ý: Với những trường không thể triển khai dạy học trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm có thể hướng dẫn HS, cha mẹ HS tham gia lớp học online bằng các video hướng dẫn trên youtobe. Nếu HS không học trực tuyến được, các em có thể tự học theo phiếu, khi cần hướng dẫn và giải đáp, các em có thể gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để được giúp đỡ.
Dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả khác nhau với từng trường; tuy nhiên, đây là cơ hội để các giáo viên và HS rèn luyện thêm việc giảng bài, tự học, kiểm tra thông qua ứng dụng CNTT. Cũng như kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường trong hoạt động này để mang lại hiệu quả trong thời kỳ phòng, chống dịch virus Covid-19.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội Phùng Ngọc Oanh:

Chưa phù hợp với các vùng nông thôn

"Việc áp dụng học trực tuyến tại vùng nông thôn hiện nay sẽ không đạt hiệu quả. Bởi lẽ, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, còn các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp như điều kiện kinh tế, tính phổ biến, phổ cập chưa có. Ở các huyện còn khó khăn như ở Ba Vì, nhiều gia đình vẫn chưa lắp đặt hệ thống internet, các HS hay phụ huynh chưa có điện thoại thông minh, cũng như các điều kiện công nghệ hỗ trợ khác.

Do đó, nếu triển khai mô hình học trực tuyến chắc chắn sẽ không khả thi. Hiện tại, trong thời gian HS được nghỉ học để phòng, chống dịch, huyện Ba Vì áp dụng hình thức giao bài cho HS. Cụ thể, các giáo viên sẽ gửi bài tập về nhà cho HS bằng thư điện tử hoặc mạng xã hội (zalo là phổ biến), sau đó, nhờ cha mẹ HS kiểm tra kết quả bài tập rồi chụp gửi lại cho giáo viên. Khi HS trở lại trường, toàn bộ chương trình sẽ triển khai lại từ đầu; có nghĩa, quãng thời gian học “chữa cháy” trong lúc phòng, chống dịch Covid-19 sẽ không tính vào chương trình chung".

Bảo Thắng (ghi)