Phòng, chống dịch Covid-19: Không chủ quan, nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chủ quan, khinh suất nhưng không làm quá phức tạp tình hình. Dứt khoát không "ngăn sông cấm chợ" vì dịch bệnh Covid-19 - là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Vừa chống dịch, vừa lo phát triển kinh tế

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhận được thông báo từ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về việc Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, hàng hóa của Hải Dương đi Quảng Ninh, Hải Phòng bị ngăn cản, không cho qua.

Nói về vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định: "Dứt khoát chúng ta không được "ngăn sông cấm chợ". Chúng ta phải phòng, chống dịch chứ không được cấm xe qua". Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cách ly xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, “ngăn sông cấm chợ”. Chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu.
 Chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương).
Không chỉ riêng trường hợp ở Hải Dương, vừa qua, trên mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin đóng cửa sân bay Nội Bài, trong khi thực tế, Cảng hàng không quốc tế này có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ GTVT, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Hà Nội đề nghị thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho 3.200 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc tại đây. Việc này được lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhận định là vô cùng cần thiết và cấp bách, đem lại sự an tâm và đảm bảo an toàn cho hành khách cả nước đi lại bằng đường hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam cũng phát thông tin khẳng định Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã và đang khai thác bình thường, ổn định, không đóng cửa như một số thông tin ngoài xã hội đã nêu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng: "Chúng ta không chủ quan, khinh suất nhưng không làm quá phức tạp tình hình vì còn phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch tốt, hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội". Các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm "đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ", không chủ quan nên thực hiện truy vết F1, F2, F3 chặt chẽ, quản lý nhập cảnh chặt chẽ, xử nghiêm khi có vi phạm.

Thực tế, theo Bộ Y tế, mặc dù phát hiện thêm ca nhiễm nhưng Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình. Vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế - xã hội. Tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là người nắm rõ nhất tình hình dịch bệnh. Ông cho rằng, không thể dừng hết hoạt động, giãn cách toàn bộ để chống dịch. Dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế, do đó vẫn phải đảm bảo kinh tế phát triển, chăm lo an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu kép. "Tinh thần thời gian tới là toàn hệ thống phải tiếp tục nâng cao cảnh giác với dịch bệnh" - Phó Thủ tướng nói.

Kích hoạt ngay cơ chế kiểm soát

Đối với Cảng hàng không Nội Bài, tất cả các phương tiện và quy định về phòng, chống dịch đều được tuân thủ, khi có dấu hiệu nguy cơ lây lan đều khoanh vùng, truy vết, cách ly nhưng hoạt động của sân bay không ảnh hưởng. Các nhân viên làm việc ở sân bay đều được kiểm tra, xét nghiệm thường xuyên, đảm bảo hệ thống luôn được kiểm soát, để có đủ lực lượng làm việc.

"Mặc dù số lượng trường hợp mắc bệnh tại 2 địa bàn này có thể tiếp tục gia tăng khi xét nghiệm hết toàn bộ mẫu đã thu thập nhưng ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian ngắn tới" - Bộ Y tế nhận định. Với Hà Nội, các trường hợp có liên quan đến ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh đang được khoanh vùng cách ly, lấy mẫu diện rộng. "Hôm qua, Bộ Y tế đã làm việc với Hà Nội và chúng tôi cho rằng, dịch ở Hà Nội có thể kéo dài hơn dự kiến vì lây nhiễm ở đây tương đối phức tạp" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu.

Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, không được chủ quan, có các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị mình.

Ngành y tế đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng. Chính phủ đồng ý sớm đưa vaccine ngừa Covid-19 đến người dân trong quý I/2020…

Tại Hà Nội, chủ trương ưu tiên bố trí ngân sách mua vaccine ngừa Covid-19 cho người dân Thủ đô, đồng thời tăng cường theo các đoàn kiểm tra. Các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… đều tính tới tổ chức mua vaccine tiêm phòng cho người dân.

Ý thức người dân đóng vai trò quan trọng

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng, điều Chính phủ quyết liệt là làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan đối với dịch bệnh. Sự chủ động và ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình đóng vai trò rất quan trọng.

Làm việc gì cũng phải có người chịu trách nhiệm, nhưng đối với phòng, chống dịch bệnh, không thể thụ động trông chờ vào các vị lãnh đạo và các cơ quan quản lý, cơ quan y tế. Mỗi người dân phải cùng chung tay, góp sức, tham gia tích cực cùng Chính phủ, chính quyền địa phương thì mới chống dịch thành công.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vẫn còn một số người đi về từ vùng dịch nhưng không chịu khai báo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị áp dụng bắt buộc khai báo y tế đối với toàn dân. Những trường hợp trở về từ vùng dịch mà trốn khai báo y tế phải xử lý hình sự để răn đe, nâng cao ý thức cho cộng đồng. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương phải xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện không tốt, các trường hợp vi phạm quy định về tổ chức cách ly y tế, phòng chống dịch bệnh…

Trong khi số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn tăng thì ý thức tự bảo vệ bản thân, có trách nhiệm với cộng đồng chính là "liều vaccine” hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch bệnh; đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi gia đình, thôn, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”.

"Không cần phải làm những việc to tát; chấp hành pháp luật, thực hiện các quy định của chính quyền, đó chính là thể hiện trách nhiệm công dân. Cơ quan chức năng cần phải tìm cho được những người viết tin giả, xử phạt nặng. Việc tung tin giả mạo không chỉ khiến nhiễu loạn, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. " - TS Nguyễn Minh Phong


Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội, toàn TP tiếp tục mục tiêu kép, phát huy sáng kiến tiếp tục sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn và đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân đón Tết; tăng cường các hoạt động trực tuyến, cung ứng khẩu trang, y tế, xử lý nghiêm việc trục lợi y tế. Tuyên truyền sâu hơn nữa, mạnh hơn nữa để người dân được biết. Tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch, điều tra truy vết ngay lập tức, xét nghiệm nhanh, kiên quyết và kịp thời. Tăng cường các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần