Tác dụng của việc này, theo đó là cách ly trong thời gian cần thiết thì đã rõ. Còn tác hại của nó: Chỉ cần một người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực cũng có thể tạo nên cả một ổ dịch, khiến cuộc sống biết bao người ảnh hưởng...
Cũng liên quan đến trách nhiệm công dân, trong những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội vừa qua có một hiện tượng đáng buồn. Đó là nhân lúc đường phố vắng vẻ do thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người có hành vi vi phạm giao thông, nhiều nhất là phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ.
Theo thông tin từ Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, chỉ từ 1- 15/4, hệ thống camera đã ghi nhận và phát hiện gần 400 trường hợp phương tiện vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, thậm chí có những phương tiện vi phạm nhiều lần. Những hành vi vi phạm này của các lái xe này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất lớn.
Có thể thấy mối liên hệ nhất định giữa những câu chuyện trên. Đó là ý thức về trách nhiệm công dân. Những người không có ý thức trong việc chấp hành luật lệ giao thông trong những ngày cả nước chung tay phòng dịch, nhiều khả năng cũng vi phạm, chưa nói là tự giác thực hiện, những yêu cầu phòng dịch liên quan tới cộng đồng.
Và những hành vi vi phạm ngay trong những ngày xã hội vô cùng cần mỗi người phát huy trách nhiệm công dân trong mỗi việc làm, câu nói lại càng cho thấy sự thiếu hụt trách nhiệm công dân của họ tới mức nào.
Phòng CSGT CA TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tăng cường xử lý mạnh những lái xe vi phạm Luật Giao thông, nhất là với các lỗi vượt đèn đỏ, vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy… trực tiếp cũng như qua hệ thống camera giám sát, xử phạt. Đây là việc làm vừa có tác dụng tăng cường đảm bảo ATGT, đồng thời cũng góp phần phòng, chống hiệu quả dịch Covid -19.
Theo Nghị định 100, số tiền phạt đối với các lái xe vi phạm, nhất là những người nhiều lần kể trên chắc chắn sẽ không hề thấp.
Tuy nhiên, xem ra vẫn cần những chế tài mạnh tay và xác đáng hơn. Tuần qua, Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ vừa báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm Trật tự An toàn Giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.
Một trong những mục tiêu của việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Điều đó cũng có nghĩa là nâng cao ý thức về trách nhiệm công dân khi tham gia giao thông, một yếu tố quan trọng làm giảm ùng tắc, TNGT.
Trở lại câu chuyện ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao trong những ngày chống dịch. Cùng với ý thức về trách nhiệm công dân, nhiều nếp đẹp cũng đã hình thành trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc này và chắc chắn sẽ được duy trì trong tương lai, kể cả khi dịch bệnh đã qua đi.
Hy vọng đây cũng sẽ là câu chuyện với việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, cũng là trách nhiệm công dân trong lĩnh vực này, với các biện pháp giáo dục cùng những chế tài mang tính luật pháp, loại bỏ những hành vi vi phạm, để xã hội ngày một lành mạnh, văn minh hơn.