Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống dịch Covid-19: Từng bước đi thận trọng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/9, Việt Nam sẽ chính thức "mở cửa" lại bầu trời sau gần 6 tháng (từ cuối tháng 3/2020) siết đường bay để phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, không phải cùng lúc mở tất cả đường bay mà thận trọng từng bước. Dự kiến, ngày mai sẽ có những đường bay tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), từ ngày 22/9 mở lại đường bay tới Lào, Campuchia.
Những chuyến bay trước mắt sẽ chỉ có 1 - 2 chuyến mỗi tuần, đón khoảng 5.000 khách nhập cảnh vào Việt Nam. Như vậy, tính đến chiều 13/9, đã 12 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng kể từ khi dịch tái bùng phát đợt hai đến nay. Chưa có gì bảo đảm an toàn, nhưng thực tế những ngày qua cho thấy chúng ta đủ khả năng và kinh nghiệm để kiểm soát dịch Covid-19.
Những ngày qua, nhiều chuyến bay cũng đã trở lại Đà Nẵng, và ngày mai thiết lập giao thương với nước ngoài cùng hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới được triển khai.
Thực tế hiện nay nhu cầu của các chuyên gia, DN, nhà đầu tư mong muốn sang Việt Nam khảo sát, làm việc là rất lớn. Nhưng mối quan tâm lớn nhất là làm sao mở cửa nhưng vẫn an toàn, giảm thiểu tối đa nguồn lây nhiễm khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp trên toàn thế giới.
Một trong những biện pháp đang được triển khai là xây dựng chiến lược xét nghiệm mới để giảm số người phải cách ly. Không cách ly cả khu vực, không cách ly tất cả mọi người từ nước ngoài về trong 14 ngày như đã từng áp dụng. Mà trước khi lên máy bay về Việt Nam, khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính của nước sở tại trong khoảng 3 ngày.
Tại sân bay, ngay sau khi nhập cảnh, tất cả hành khách tiếp tục được xét nghiệm. Tuy nhiên, xét nghiệm như thế nào là điều mà nhiều người quan tâm, bởi vừa qua câu chuyện xét nghiệm Covid-19 dấy lên nhiều lo ngại.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện có 3 phương pháp xét nghiệm Covid-19 là Realtime PCR (cho kết quả sau 3 giờ), xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm nhanh kháng thể (cho kết quả sau 30 phút - 1 giờ). Trong 3 phương pháp này, xét nghiệm nhanh kháng thể có hiệu quả đối với người đã tiếp xúc với nguồn bệnh từ 7 ngày trở lên, không phát hiện được bệnh trong thời gian ủ bệnh nên không ưu tiên sử dụng tại sân bay, cửa khẩu mà ưu tiên sử dụng Realtime PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Từ kinh nghiệm tại Đà Nẵng thời gian qua, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã sử dụng phương pháp trộn mẫu, giúp giảm chi phí xét nghiệm và tăng số lượng xét nghiệm trả được trong ngày. Theo chuyên gia, hành khách nhập cảnh (diện công tác, làm việc, người Việt về nước...) thuộc đối tượng nguy cơ thấp, hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp trộn mẫu này. Những trường hợp trộn mẫu, nếu phát hiện dương tính sẽ phải chờ thêm 180 phút để xét nghiệm lại. Như vậy, vẫn hiệu quả hơn so với cách ly tập trung 14 ngày. Đây thực sự là những biện pháp đầy thận trọng, để những hoạt động kinh tế dần được khôi phục mà không dẫn tới nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
Chắc chắn, cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn lâu dài và dự báo nhiều cam go, gian khổ, thử thách, nhưng sự mở cửa từng bước một là bước đi thận trọng và rất cần thiết ở thời điểm này.