Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống ngộ độc methanol: Khó khăn chồng chất

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn TP chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, thủ công, chưa được cấp giấy chứng nhận ATTP dẫn tới nguy cơ ngộ độc methanol còn rất cao.

Nhỏ lẻ, thủ công

Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc rượu, đặc biệt là rượu chứa methanol đã ở mức báo động, gây ra những tổn thương cho sức khỏe người dân. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 29 bệnh nhân ngộ độc methanol, trong đó có 24 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, 5 bệnh nhân nặng xin về, tử vong tại nhà. Thống kê của Ban Chỉ đạo ATTP TP cho thấy, từ khi triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2017 đến nay, trên địa bàn TP không xuất hiện trường hợp ngộ độc rượu mới. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu, cho thấy nguy cơ ngộ độc rượu vẫn còn rất cao.

Đội QLTT số 7 kiểm tra cơ sở sản xuất rượu  tại thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai. Ảnh: Lê Nam

Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành đã tiến hành kiểm tra 13.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu từ TP xuống tuyến quận, huyện, xã, phường. Qua đó, cảnh cáo và xử lý hơn 1.400 cơ sở, tiêu hủy hơn 24.100 lít rượu không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, qua xét nghiệm nhanh có 5 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt quá giới hạn cho phép. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, khó khăn trong công tác quản lý rượu hiện nay là địa bàn rộng, trong khi người dân vẫn còn tập quán tự nấu rượu nhỏ lẻ trong gia đình để sử dụng.

Ông Chu Xuân Kiên – Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cũng cho biết, các cơ sở sản xuất rượu thủ công thường có quy mô nhỏ lẻ, không thực hiện đăng ký kinh doanh hoặc không đủ điều kiện về ATTP để xin cấp phép. Do đó, việc thống kê, quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng rượu gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu sản xuất rượu cũng chưa đạt hiệu quả cao. Điều đáng nói, theo quy định, rượu là sản phẩm phải được công bố hợp quy nhưng hiện nay chưa có đủ các quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả các loại rượu trên thị trường nên cũng gây khó khăn cho việc cấp phép và xử lý vi phạm.

Tăng cường giám sát

Thời gian qua, lực lượng chức năng còn phát hiện tình trạng các cơ sở pha chế rượu bằng nguồn nguyên liệu như cồn, hương liệu hay các sản phẩm rượu ngâm táo mèo, ba kích, chuối hột… để bán tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với giá tương đối rẻ, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, để phòng chống ngộ độc methanol, theo Ban Chỉ đạo ATTP TP, trong thời gian tới các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ gia đình về tác hại của sử dụng rượu không an toàn, không tem nhãn cũng như quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.

Cùng với đó, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cần tiếp tục thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh rượu, tập trung vào các cơ sở pha chế rượu thủ công. Đồng thời kiểm tra nguồn gốc rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn toàn TP. “Các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các đơn vị liên quan và xã, phường, thị trấn đồng loạt kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, phân tích đánh giá kịp thời, cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng” – ông Hiền đề nghị.

Ngoài ra, một trong những giải pháp rất cần thiết mà nhiều địa phương đã và đang triển khai có hiệu quả nhằm phòng chống ngộ độc methanol là tổ chức ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, buôn bán và tiêu dùng rượu không rõ nguồn gốc trong cộng đồng DN, hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời yêu cầu công khai nguồn gốc và giấy chứng nhận, cam kết ATTP cho khách hàng tại từng cơ sở.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra hơn 860 vụ liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu. Qua đó xử lý hơn 680 vụ, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng, tạm giữ và tịch thu trên 41.700 lít rượu.