Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Làm sao để tránh hình thức?

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 23/5, Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể. Nếu đạt được sự nhất trí, dự kiến, Dự Luật sẽ được thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 7 này. Được đánh giá là một Luật khó, dù đã qua nhiều lần thảo luận nhưng đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều với các quy định đặt ra.

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Công Hùng
Còn nhiều điểm băn khoăn
Quá trình xây dựng Luật, một trong những mục tiêu mà cơ quan chức năng, cộng đồng hướng tới là khi đi vào cuộc sống, Luật sẽ tác động làm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi trong sử dụng và sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Bởi theo con số thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia “góp mặt” trong 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Tại Việt Nam, nếu tính theo mức thấp của thế giới, thiệt hại liên quan đến rượu, bia khoảng 65.000 tỷ đồng/năm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh): Xử phạt phải đạt hiệu quả

Dự Luật trình Quốc hội lần này đã đưa ra những chế tài mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn so với những khung xử phạt trước nhưng vẫn chưa đủ. Xử phạt hành chính chỉ là một khía cạnh, quan trọng nhất là phải đạt hiệu quả. Một khi xã hội có quá nhiều người uống rượu, thì không bao giờ đủ lực lượng cảnh sát giao thông để kiểm tra, xử lý. Chúng ta cần có những chiến dịch kiểm tra, giám sát, xử phạt trọng điểm, ở những khu vực tập trung nhiều quán bia, rượu. Đồng thời, truyền thông về tác hại khi sử dụng rượu, bia. Mặt khác, cần có những chế tài xử phạt khác, như bắt lao động công ích, bắt người lái xe uống rượu, bia phải tham gia các lớp giáo dục cộng đồng mới được trả lại giấy phép lái xe. (Hồ Hạ ghi)

Dự Luật được trình ra lần này gồm 7 chương, 36 điều, dựa trên những biện pháp kiểm soát được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, đó là kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát quảng cáo rượu, bia; chính sách thuế và giá. Dù khẳng định tính cần thiết, nhưng qua nhiều lần thảo luận, nhiều quy định trong Dự Luật được nhận định sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong đối xử với các sản phẩm rượu bia, các hộ kinh doanh, nhà sản xuất, đồng thời kém khả thi trên thực tế.

Theo nhiều chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội, vấn đề quan trọng nhất của Dự Luật này nên đặt ra là hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng như thế nào cho phù hợp, không lạm dụng rượu bia. Từ đó góp phần điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm gì cho an toàn… Tuy nhiên, các quy định lại chưa giải quyết được vấn đề đó. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: Đơn cử như quy định cấm bán rượu bia trên 15 độ trên internet. Điều này phải chăng là bia và rượu vang thì có thể bán thoải mái? Trong khi đó, bán hàng trên internet chỉ là phương thức kinh doanh. Cần nhớ là Việt Nam đang tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia mỗi năm, cũng gây ra những tác hại không hề nhỏ.

Chế tài đủ mạnh mới thay đổi được nhận thức

Dự Luật cũng đã có những quy định kiểm soát sản xuất rượu không bảo đảm chất lượng, kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia quá mức, thiếu văn hóa, gây hậu quả ảnh hưởng đến bản thân, cộng đồng và xã hội; song, các quy định cụ thể còn thiếu tính khả thi, chưa phù hợp. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, rà soát các đề xuất tại Dự Luật có thể thấy đa phần các quy định chỉ tập trung vào hạn chế nguồn cung, chưa thể hiện được thông điệp để góp phần thay đổi nhận thức hành vi con người trong sử dụng rượu, bia. Thời gian qua, chúng ta đã không quản lý được tình trạng rượu giả, lậu, rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm… Vậy, trong Dự Luật cần thiết phải xây dựng cơ chế khuyến khích người dân đăng ký khi sản xuất rượu thủ công và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này như thế nào?

Như nhiều ý kiến nhận định, để bảo đảm tính khả thi của Dự Luật, cần nghiên cứu toàn diện vấn đề, không chỉ ở khía cạnh kinh tế - xã hội, lịch sử, mà còn ở khía cạnh văn hóa, thói quen của người Việt. Phải có những công cụ pháp lý nhằm kiểm soát đồng thời cả việc sản xuất, buôn bán và sử dụng rượu, bia; thực hiện nghiêm quy định giới hạn độ tuổi được phép mua rượu; tăng thuế để nâng giá thành; xử phạt nghiêm khắc hành vi khuyến khích sử dụng rượu, bia… Bên cạnh đó, cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những người sử dụng rượu, bia có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng. Đặc biệt, phần gốc của vấn đề nằm ở việc làm sao để kiểm soát, hạn chế tính sẵn có, phổ biến và dễ dãi trong sử dụng rượu, bia hiện nay. Muốn vậy, cần đưa những quy định mạnh mẽ vào Dự Luật. Nếu không, Luật khi ra đời cũng chỉ mang tính hình thức.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: Luật phải nêu được đặc tính gây nghiện của rượu, bia

Dự Luật cần phải nêu được rõ đặc tính gây nghiện của rượu, bia và các đồ uống có cồn. Nếu không nêu alcohol (cồn) là chất gây nghiện, Dự thảo Luật không được xây dựng theo cơ sở “khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người”. Hiện nay, các công ty rượu, bia đưa ra một số sản phẩm không phải là rượu, không phải bia nhưng lại có độ cồn tương đương như bia, rất dễ khiến trẻ em sử dụng, rất nguy hại. Tại hội nghị cấp cao về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm diễn ra tại New York (Mỹ) năm 2018 đã tuyên bố, cồn là một trong những chất gây ung thư. Do vậy, rượu bia cũng góp phần gia tăng trong vấn đề ung thư hiện nay. 

Trước những tác hại nguy hiểm của rượu bia và những thứ đồ uống có cồn, chúng tôi cũng đề nghị nâng điều chỉnh mốc cấm bán rượu, bia cho người “chưa đủ 18 tuổi” thành “chưa đủ 21 tuổi”. Thực tế hiện nay, cả nước có hơn 5 triệu trẻ em và vị thành niên. Nếu giới trẻ này bập vào rượu, bia và đồ uống có cồn sẽ dẫn đến bị nghiện và gây ra những hành động không thể kiểm soát như bạo lực học đường, hiếp dâm... Ngoài ra, chúng tôi rất mong muốn cần phải có cơ chế giám sát độc lập trong việc thực thi luật, đó là sự tham gia giám sát độc lập của các tổ chức khoa học, phi lợi nhuận để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. (Oanh Trần ghi)
Singapore hồi đầu tháng này đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Giao thông đường bộ của mình, trong đó yêu cầu những người lái xe nếu tái phạm việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia hoặc ma túy có thể phải đối mặt với lệnh cấm lái xe vĩnh viễn và tăng gấp đôi thời gian ngồi tù hiện tại. Nếu các đề xuất được Quốc hội Singapore thông qua, những người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia hoặc ma túy ngay từ lần đầu vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù 1 năm hoặc bị phạt 2.000 - 10.000 SGD (khoảng 34-170 triệu VNĐ), bên cạnh việc bị cấm lái xe ít nhất 2 năm...

Trong khi đó, Pháp đang đưa ra một luật mới sẽ áp dụng cho tất cả những người bị phát hiện lái xe có sử dụng đồ uống có cồn, trong đó yêu cầu các tài xế phải chọn giữa việc treo bằng lái hoặc chủ động lắp đặt máy thở giá 1.000 Euro (hơn 25 triệu VNĐ) trong xe của mình. Thiết bị này, có tên EAD (Ethylotest Anti-Démarrage) sẽ khiến chiếc xe không thể khởi động được trừ khi tài xế vượt qua bài kiểm tra nồng độ cồn - không quá 0,8g/l máu - ngay trong lần đầu tiên, thông qua việc thổi vào ống của nó. 

(Nguyễn Phương)