Phòng chống tác hại của rượu, bia: Siết từ quy định pháp lý

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/5, Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức tọa đàm góp ý vào Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHCRB).

Theo nhận định của các đại biểu, tác hại của rượu bia gây ra là rất khôn lường nhưng việc không bị kiểm soát loại đồ uống có cồn này còn lỏng lẻo, thậm chí trẻ em cũng dễ dàng mua được.
Hệ lụy lớn từ rượu, bia
Đến tham dự sự kiện, bên cạnh các chuyên gia, còn có những người phụ nữ là nạn nhân của rượu bia và bạo lực gia đình. Đơn cử, chị Dương Thị C (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) xây dựng gia đình từ năm 1992, có 4 người con nhưng trong 14 năm luôn bị chồng đánh do say rượu.
 Lạm dụng rượu, bia sẽ gây tác hại xấu cho bản thân và xã hội. Ảnh: Chiến Công
Có tháng, ngày nào chị C cũng bị đánh 4 lần phải vào viện. Lần bị nặng nhất vào năm 2014, chị C bị chồng ném thanh củi vào mặt và trúng một bên mắt phải vỡ thủy tinh thể, rách giác mạc, đứt tuyến lệ. Sau 3 tháng điều trị ở Bệnh viện Mắt T.Ư tốn 120 triệu đồng, chị C bị mất thị lực hoàn toàn. “Tôi phải dắt díu các con ra đi với hai bàn tay trắng, trở về nhà bố mẹ đẻ để nương nhờ”- chị C buồn rầu nói.
Tại buổi tọa đàm, chị Hoàng Thị H, em dâu chị Lê Thị Thu Hà – nữ công nhân vệ sinh môi trường bị tử vong do lái xe say rượu gây ra trên đường Láng hồi tháng trước cũng xót xa chia sẻ những mất mát, tổn thất của gia đình mình. Thế nhưng, hiện nay, rượu bia lại đang được bày bán ở nhiều nơi và việc mua bán khá dễ dàng.
Khảo sát ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam của nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho thấy: Xã có 7 thôn thì thôn nào cũng sản xuất rượu và bán rượu. Các quán bia bán tập trung ở đường quốc lộ - nơi có nhiều người qua lại. Đáng chú ý, ai cũng có thể mua được rượu, ngay cả trẻ con, bất kể ngày hay đêm. Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, trong 5 năm (2014 – 2018), số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia khiến số người bị thương và chết tại xã Thanh Hải ngày càng gia tăng. Năm 2018 có 14 vụ TNGT làm 17 người bị thương, 2 người chết.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu, bia góp mặt trong 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do TNGT, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP.
Luật phải là hành lang pháp lý vững chắc
Từ kết quả nghiên cứu ở xã Thanh Hải, bác sĩ Hoàng Thị Bằng – đại diện nhóm nghiên cứu Trung tâm RTCCD kết luận: Nguy cơ nghiện rượu bia trên địa bàn xã ngày càng tăng cả về mức độ bao phủ và độ sâu của nghiện. Thế nhưng, nơi đây không có hành lang pháp lý nào giúp chính quyền địa phương phòng chống tệ nạn rượu bia.
Hơn nữa, hai thứ đồ uống có cồn này là nguyên nhân chính gây đói nghèo, tha hóa chất lượng nhân lực đồng thời cản trở phát triển gia đình và cộng đồng bền vững. Vì thế, Luật PCTHCRB phải được ban hành càng sớm càng tốt, với những điều hết sức cụ thể. Chẳng hạn, giới hạn tuổi sử dụng rượu bia, giới hạn giờ bán, lượng bán mỗi năm.
Đặc biệt Luật phải bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên trước nguy cơ, tác hại của rượu bia. Cùng với đó, nâng thuế đối với rượu bia, sử dụng nguồn thu thuế đó để phục vụ trở lại công tác phòng chống tác hại của rượu bia...
Theo dự kiến, ngày 23/5, dự thảo Luật PCTHCRB sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV để các đại biểu cho ý kiến. Thế nhưng, tại buổi tọa đàm này, bà Trần Xuân Hằng – Ban soạn thảo Luật PCTHCRB, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, dự thảo Luật PCTHCRB – một công cụ pháp lý quan trọng đang bị làm yếu đi. Tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam trong nhóm tăng nhanh nhất thế giới. T
uy nhiên, dự thảo Luật chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia trên 15 độ. Bên cạnh đó, quảng cáo không thực hiện trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 19 - 20 giờ hàng ngày...
Hậu quả xã hội của sử dụng rượu, bia ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra. Bác sĩ Trần Tuấn - Trưởng ban điều phối viên của Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) cho biết: NCDs-VN đã có phản biện và kiến nghị 10 điểm sửa dự luật.
Theo đó, đề nghị các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Bán đồ uống có cồn cho trẻ em và trẻ vị thành niên chưa đủ 20 tuổi; bán đồ uống có cồn cho người đã có dấu hiệu say hoặc người đã uống tới ngưỡng nguy hại... Cùng với đó đề nghị phương án chọn nguồn kinh phí cho công tác phòng chống tai nạn do rượu bia là 1 - 2% thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, NCDs-VN đề nghị lộ trình tăng mức thuế theo nồng độ cồn có trong sản phẩm, đặc biệt, cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những người sử dụng rượu, bia có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng.

"Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet đang được các DN nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Luật PCTHCRB lại không quy định cấm." - Bà Trần Xuân Hằng – Vụ Pháp chế, Bộ Y tế


Nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho thấy, 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100ml máu. Đa số là tai nạn nghiêm trọng và có tới 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn.