Phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

Công Thọ - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu Quốc hội cho rằng mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống tham nhũng đã không “chững lại” hay “chùng xuống”...

Ngày 26/10/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
 Phiên họp sáng 26/10
Tại phiên thảo luận, cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống tham nhũng đã không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng. Nhờ vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; qua đó đã góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả rõ nét. Tình trạng tham nhũng, lãng phí dần được đẩy lùi, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân cả nước, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình thì tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp vấn diễn ra ngày càng tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Đại biểu đề nghị ngoài giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, nhân dân để phòng ngừa, không dám, không muốn, không ham, thì việc tiếp tục xử lý hành vi tham nhũng không có vùng cấm sẽ có tác động tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn.
Đại biểu cũng cho rằng, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng là hết sức cần thiết. Cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không vì áp lực hay vì lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng của tổ chức, cá nhân sai phạm. Nếu vi phạm cần phải xử lý nghiêm để răn đe; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, cũng như phát hiện của nhân dân, phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý sai phạm.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho rằng, các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều đưa ra một nhận định chung là số lượng các vụ án, đặc biệt là các vụ án hình sự kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm còn cao, có chiều hướng phực tạp, nhưng mới chỉ dừng lại ở những nhận định, mà chưa đưa ra được nguyên nhân và giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này. Đặc biệt, báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ ra các vi phạm pháp luật trong tố tụng mà chủ yếu trong khâu mở rộng điều tra.
Mặc dù báo cáo không nêu những vi phạm này ở cấp điều tra nào nhưng chắc chắn cao hơn 2019, tuy nhiên những vi phạm này lại tập trung vào hoạt động thực nghiệm điều tra, nhận dạng, trưng cầu giám định, định giá tài sản, lấy lời khai… do vậy đề nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp khắc phục.
 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại phiên thảo luận. 
Đại biểu Hà Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng, mặc dù thời gian qua một số loại tội phạm giảm so với năm trước, nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể, tội phạm có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn.
Trong báo cáo cũng nêu một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng như hiếp dâm tăng trên 13%, đặc biệt tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng hơn 30%; gây rối trật tự công cộng tăng hơn 53%; chống người thi hành công vụ tăng, đặc biệt số vụ chống lực lượng công an thi hành công vụ tăng 260%; số vụ giết người thân tăng 171%... Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Đại biểu cũng nêu tình trạng lợi dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật như việc đưa tin giả, tình trạng đánh bạc vẫn diễn ra hàng ngày… Công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet vẫn còn hạn chế, bất cập. Việc đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, gây nhức nhối xã hội; kết quả xử lý chưa hiệu quả.
Từ thực tế trên, đại biểu Hà Thị Lan đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần có đánh giá cụ thể về công tác phòng ngừa các loại tội phạm; đồng thời có giải pháp đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới. Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp, như kịp thời, quyết liệt chặn đứng sự gia tăng của một số loại tội phạm. Các ngành, các cấp ở địa phương, người đứng đầu cần quản lý chặt chẽ nhập cảnh Việt Nam của người nước ngoài.
Tăng cường hơn nữa hiệu lực hiệu quả, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định của Luật An ninh mạng, phát hiện xử lý nghiêm hành vi đưa tin giả, hành vi kích động bạo lực… Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là giới trẻ và công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...