Tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình. Ảnh: Duy Anh |
Phối hợp lỏng lẻo
Một thực tế đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra là, từ khi chưa có Luật Trẻ em và trong thời gian giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từng bị “bỏ bẵng”. Mặc dù Chính phủ đã rất quyết liệt trong cơ chế phối hợp, tổ chức liên ngành, với con số đạt đến 63/63 tỉnh, TP; 92,9% cấp huyện, 88,15% cấp xã; nhưng quy định về trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm vẫn không rõ ràng. 17 tỉnh, TP mà Đoàn tiến hành giám sát, kết nối ở cấp bộ, cấp tỉnh, huyện, xã rất yếu. Quy định về trách nhiệm, cơ chế thực hiện trách nhiệm không rõ, nói đúng hơn là có sự cắt khúc về trách nhiệm.
Mặc dù có sự phối hợp giữa các bộ trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là trong gia đình song công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền về ứng xử đạo đức, lối sống có đi vào đúng đối tượng hay chưa vẫn là những vấn đề được đặt ra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, qua thực tế giám sát, nhiều trường hợp xảy ra không phải một lần mà nhiều lần nhưng chúng ta không biết, chỉ đến khi các cháu mang thai, bị hành hạ thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Điều này cho thấy, việc chủ động phòng, ngừa xâm hại trẻ em chưa hiệu quả.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, khi tìm hiểu xem các em nhận thức thế nào về xâm hại trẻ em, các thành viên Đoàn giám sát đặt câu hỏi: Các em hiểu thế nào về xâm hại trẻ em, các hình thức xâm hại trẻ em là như thế nào thì đa phần các em mới chỉ nói được là xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục, trong khi Luật Trẻ em quy định tới 6 hình thức xâm hại trẻ em. Điều này cho thấy tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức kĩ năng cho trẻ em là chưa đạt yêu cầu.
Xác định rõ trách nhiệm
Một vấn đề cũng được nhiều thành viên Đoàn giám sát chỉ ra, đó là việc triển khai thực hiện các chính sách còn yếu. Trong nhiệm vụ chung về phòng, chống xâm hại trẻ em, mỗi bộ đều có những nhiệm vụ và trách nhiệm riêng. Nhưng điều quan trọng là các bộ phải xác định được trách nhiệm của mình đến đâu, có giải pháp cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm để làm tròn trách nhiệm của mình.
Theo lãnh đạo Bộ VHTT&DL, phòng, chống xâm hại trẻ em không phải là vấn đề chỉ riêng một ngành, một cơ quan có thể làm được mà cần có sự phối hợp liên ngành. Những năm qua, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với Bộ GD&ĐT thí điểm về chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, không chỉ phát huy khía cạnh truyền thống của gia đình mà phải tăng cường kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng cho các thành viên về chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em. Bộ cũng đã tích cực phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an để có hướng dẫn giáo dục, chuyển đổi hành vi về phòng chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục; trang bị kỹ năng cho trẻ em cách phòng tránh, ứng phó với những biểu hiện về xâm hại trẻ em...
Bộ ngành bắt bệnh có đúng thì giải pháp mới trúng, từ nhận định đó, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, phải đi từ căn nguyên sâu xa là đạo đức xã hội để tìm giải pháp, chứ không phải là chỉ đưa ra tiêu chí. Trong công tác giáo dục, nhà trường phải tạo ra được môi trường sống bình thường cho các em. Về phía gia đình có yếu tố đạo đức, văn hóa, trình độ học vấn… Về quản lý Nhà nước là việc triển khai thi hành hệ thống văn bản như thế nào, giám sát triển khai thi hành, vấn đề vệ sinh tâm thần, chính sách xã hội. Bên cạnh đó, vai trò của các đoàn thể, đoàn thanh niên cũng cần được xem xét.