Phòng hỏa hơn cứu hỏa

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, một sự kiện được dư luận quan tâm, đó là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen anh Trung Văn Nam vì đã có hành động dũng cảm, cứu được một bé gái bị mắc kẹt trên tầng 3 ngôi nhà đang bốc cháy tại phố Lương Khánh Thiện, quận Hoàng Mai.

Anh Trung Văn Nam còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tấm gương dũng cảm cứu người của anh Nam, một lần nữa khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người lao động bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, sự việc này cũng thêm một lần nữa cảnh báo về tình hình cháy nổ tại Hà Nội cũng như cả nước đang có những nguy cơ tiềm ẩn phức tạp. Theo số liệu thống kê, trong năm 2021 vừa qua, Hà Nội đã xảy ra 355 vụ cháy, trong đó có 8 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 130 vụ cháy trung bình, 192 vụ cháy nhỏ, 18 vụ cháy rừng. Các vụ cháy trên làm 12 người chết, 23 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản ước tính 26,5 tỷ đồng.

Chỉ trong những ngày cuối năm 2021, đầu năm 2022 đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng. Có thể kể đến vụ cháy ở Ninh Hiệp ngày 31/12/2021, thiêu rụi một hơn 900m2 nhà kết cấu khung thép lợp mái tôn, bên trong chứa nhiều quần áo, hàng hóa các hộ kinh doanh nhập về bán dịp Tết Nguyên đán, hay vụ cháy nổ ở căn phòng trọ, phường Định Công, Hoàng Mai ngày 3/1/2022 khiến 3 người tử vong…

Các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại khu vực nội thành 197/355 vụ, chiếm 55,5%. Cháy tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh là 204/355 vụ cháy, chiếm 57,46%. Các vụ cháy này có quy mô không lớn, gây thiệt hại không nhiều về tài sản nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Riêng quận Đống Đa có 3 vụ, làm chết 9 người. Qua điều tra, phân tích, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy nổ thời gian qua chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Các vụ cháy từ nguyên nhân này là 252/355 vụ, chiếm 71%.

Chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đây cũng là thời gian người người, nhà nhà chuẩn bị đón Xuân, vui Tết. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đang đẩy mạnh sản xuất, tập trung nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều hoạt động cúng lễ được tổ chức tại các gia đình, các cơ sở thờ tự, tôn giáo. Thực tế trên dẫn đến việc nguy cơ xảy ra cháy nổ cũng tăng cao.

Như trên đã nói, theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình cháy nổ tại Hà Nội vẫn đang có tiềm ẩn phức tạp. Nguyên nhân là bởi ý thức người dân còn chủ quan, chưa thật sự chấp hành về an toàn phòng cháy, chữa, hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ... Thực trạng đó cũng đặt ra yêu cầu mọi người, gia đình, cơ quan đơn vị phải luôn đề cao cảnh giác, rà soát lại điều kiện sinh hoạt, sản xuất, thực hiện thật tốt các biện pháp phòng chống cháy nổ để người người, nhà nhà cùng đón một cái Tết an toàn, vui tươi.

Cũng cần khẳng định, chúng ta luôn đánh giá cao, biểu dương khen ngợi kịp thời những hành động dũng cảm cứu người như trường hợp anh Trung Văn Nam, nhưng cũng luôn mong muốn không xảy ra những sự việc tương tự. Cũng vì vậy mà luôn phải nhớ phương châm: Phòng hỏa hơn cứu hỏa!