Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa bệnh dạ dày đúng cách

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Hội Khoa học tiêu hóa, tại Việt Nam, có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, 70% dân số có nguy cơ mắc bệnh dạ dày, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới gấp 4 lần so với nữ. Đặc biệt là viêm dạ dày do vi khuẩn HP, chiếm 70% các ca viêm dạ dày tại Việt Nam.

Nội soi dạ dày tại một bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: Hương Lan
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng - nguyên Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm dạ dày là căn bệnh không nguy hiểm nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Tuy nhiên, nếu để bệnh viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài, lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày. Theo thống kê, số người tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam lên tới 11.000 người. Đáng chú ý, 70% số người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển do không có triệu chứng rõ rệt, người bệnh thường nhầm lẫn với bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày.
Đề cập đến nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng, PGS.TS Vân Hồng cho rằng, do cuộc sống căng thẳng, nhiều người bị strees, chế độ ăn sinh hoạt thất thường tăng tiết axit gây tổn thương, lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá, thuốc giảm đau, chống viêm, hạ sốt… đều là những yếu tố có thể gây tổn thương viêm loét, làm hỏng chất nhầy, thành bảo vệ… Triệu chứng điển hình của viêm loét dạ dày là đau (đau có tính chất chu kỳ), có người đau theo nhịp ngày đêm, bữa ăn (trước ăn, sau ăn). Ngoài ra còn đau bụng trướng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua. Khi người bệnh gặp những triệu chứng này, cần đi khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

PGS.TS Vân Hồng khuyến cáo, để phòng ngừa viêm loét dạ dày, về lối sống, cần tránh các chất kích thích như thuốc lá. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc làm tăng nguy cơ viêm, ung thư dạ dày. Không nên ăn trước khi đi ngủ, nếu đói bụng bạn chỉ nên uống một ly sữa ấm vừa có tác dụng xoa dịu, bảo vệ dạ dày vừa giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn. Có lối sống lành mạnh, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải tỏa stress, luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ chính là biện pháp hỗ trợ phòng bệnh đau dạ dày nói riêng và các căn bệnh khác nói chung. Về ăn uống, nên ăn chín, uống sôi nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây bệnh viêm dạ dày. Hạn chế tối đa việc ăn nhanh nuốt vội, vừa ăn vừa làm việc. Ăn uống điều độ, đúng giờ để hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa, có lợi cho tiêu hóa.

Những thực phẩm nên hạn chế bao gồm đồ chiên rán, thức ăn nhanh như thịt hun khói, thịt ướp cá muối, cũng như các món dưa, cà muối… Hạn chế đồ sống, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh bởi sẽ kích thích khá mạnh đối với niêm mạc đường tiêu hóa, nhất là niêm mạc dạ dày.

Cũng theo PGS.TS Vân Hồng, khi bị bệnh dạ dày, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị. Thực tế nhiều người khi thấy các triệu chứng của bệnh thuyên giảm lại bỏ dở điều trị, hoặc có chế độ sinh hoạt, lao động không hợp lý dẫn đến bệnh dạ dày tái phát, khó điều trị. Đáng lưu ý, việc điều trị viêm dạ dày do vi khuẩn HP nếu không tuân thủ đúng và đủ phác đồ sẽ dẫn tới tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, từ đó việc chữa bệnh sẽ khó khăn và mất thời gian, tốn kém hơn rất nhiều.