Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa hành vi dâm ô với trẻ em: Sớm nhận diện các tình huống

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, hành vi dâm ô với trẻ em có chiều hướng gia tăng. Tính riêng nửa cuối tháng 5/2018, hàng loạt vụ dâm ô với trẻ em bị phát hiện khiến dư luận lên án gay gắt.

 Tháng 9/2017, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Cao Mạnh Hùng 2 năm tù giam về tội dâm ô với trẻ em.
Những kẻ suy đồi đạo đức
Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đối tượng Lê Văn Tuấn (SN 1981, trú tại quận 12) về hành vi dâm ô với trẻ em. Trước đó (cuối tháng 3/2018), Tuấn đã dùng thủ đoạn vờ đánh rơi tiền rồi yêu cầu kiểm tra người các cháu bé. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Tuấn thừa nhận, với thủ đoạn này đã dùng tay sờ soạng khắp người của 4 bé gái tại một trường tiểu học trên địa bàn.

Mới đây, ngày 29/5, Công an huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bắt giữ đối tượng Hoàng Anh Việt (SN 1993, trú tại xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) về hành vi dâm ô với trẻ em. Cơ quan công an có căn cứ để xác định đối tượng Việt trước đó đã có hành vi xâm hại, gây tổn thương đến vùng kín của bé gái 4 tuổi trên địa bàn.

Tại Hà Nội, Công an quận Tây Hồ vừa xác định rõ và xử phạt hành chính một lái xe Grabbike về hành vi quấy rối tình dục một bé gái 9 tuổi sống trên địa bàn. Tại cơ quan công an, đối tượng lái xe thừa nhận, thời điểm được thuê (ngày 16/5), đã dùng lời nói có tính chất quấy rối tình dục đối với cháu bé. Rất đáng khen ngợi khi cháu bé đã không trả lời và sau đó kể toàn bộ sự việc cho người thân…

Từng bước giải quyết bất cập

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 446 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 5,19%, 8 vụ cưỡng dâm trẻ em, tăng 14,29% so với năm 2016… Nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các bé gái (chiếm trên 80%); đối tượng xâm hại phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, thường có mối quan hệ quen thân với nạn nhân.

Theo Bộ Công an, nguyên nhân của tình hình trên một phần do việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng tới kết quả điều tra, xử lý tội phạm.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong thực tế, hầu hết các trường hợp trẻ em bị lạm dụng, tội phạm lại xuất phát từ những đối tượng mà trẻ gần gũi như người thân, hàng xóm... Do đó, cần sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống, nguy cơ bất thường.
Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại tình dục còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, hoảng loạn về tinh thần nên khai báo chưa chính xác. Một số vụ nạn nhân khai báo không thống nhất, khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ, người thân… nên gây khó khăn cho công tác điều tra. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo tố giác về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn chưa kịp thời; kỹ năng tiếp nhận, thu thập xử lý thông tin, tài liệu tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn hạn chế.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị tập trung thiết lập đường dây nóng, email, hộp thư tố giác tội phạm tại nơi công cộng; tăng cường vận động người dân kịp thời tố giác tội phạm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án đưa ra xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em để nâng cao tính răn đe và phòng ngừa tội phạm, yêu cầu và có biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng.
Ngoài ra, đào tạo, bồi dưỡng nội dung về quyền trẻ em, về tâm lý học, khoa học giáo dục cho điều tra viên giải quyết các vụ án có liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, khẩn trương xây dựng quy trình điều tra đặc biệt đối với các vụ án dâm ô trẻ em để thống nhất tổ chức thực hiện.