Phòng ngừa rạn da khi mang thai

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạn da là tình trạng thường gặp ở khoảng 70% số phụ nữ mang thai do các sợi collagen và các lớp đàn hồi của da bị phá vỡ. Các vị trí hay bị rạn da nhất là vùng bụng, đùi, ngực...

Mặc dù rạn da không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi nhưng lại có thể khiến bà bầu mặc cảm tự ti vì các vết rạn trông mất thẩm mỹ. Thậm chí có phụ nữ còn rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh chỉ vì... rạn da.
Theo bác sĩ Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám tự nguyện II, BV Phụ sản Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng rạn da liên quan đến quá trình tăng cân nhanh, chỉ số cơ thể BMI tăng. Bên cạnh đó, rạn da còn liên quan các bệnh nội tiết, các thuốc có nguồn gốc corticoid, do cơ địa.
 Ảnh minh họa.
Có người sinh 4 - 5 người con nhưng không bị rạn, trong khi có người mang thai lần thứ nhất đã bị rạn. Để phòng tránh rạn da, cần khống chế cân nặng khi mang thai, thai phụ nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân đối, ngoài ra có thể dùng thuốc làm da mềm dễ đàn hồi. Hay dùng kem phòng chống rạn, nhưng cần dùng các loại kem có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chú ý đến các hoạt chất chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Để đảm bảo an toàn cả mẹ và thai nhi, khi sử dụng bất kỳ thuốc gì, nên có sự tư vấn của bác sĩ.
Khi rạn da dù không thể làm cho da trở về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên hiện nay có thể cải thiện tình trạng này bằng các liệu pháp nội khoa như thuốc bôi, ngoại khoa như phẫu thuật tạo hình, laser bề mặt, vi điểm... để kích thích tăng sinh tái tạo sợi collagen. Mục tiêu điều trị rạn da là cố gắng cải thiện màu sắc, bề mặt da bị rạn, độ rộng của tình trạng rạn da.
Tập thể dục có phải là một liệu pháp phòng tránh rạn da hay không, bác sĩ Thủy cho rằng, dinh dưỡng và tập luyện vô cùng quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thai phụ cần tập các bài tập nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh, mỗi người hãy lắng nghe cơ thể mình, khi tập thấy sức khỏe có vấn đề thì cần xem lại.
Ngoài ra, cần kiểm soát chế độ dinh dưỡng tốt để không bị tăng cân quá nhiều. Hiện nay ở Việt Nam đang mất cân đối dinh dưỡng dẫn đến tình trạng tích mỡ vào bụng, mông nên phụ nữ mang thai hay bị rạn da, thậm chí có phụ nữ không mang thai nhưng tăng cân nhanh, béo phì cũng bị rạn da.
Trước băn khoăn của nhiều sản phụ về phương pháp laser chữa rạn da, các chuyên gia y tế cho rằng, laser là một trong những biện pháp xâm lấn tối thiểu điều trị, cải thiện tình trạng rạn da. Tuy nhiên, sau khi sinh, chị em nên tập trung nuôi con và hồi phục cơ thể tốt, ổn định nội tiết trong một khoảng thời gian nhất định. Sau sinh ít nhất 2 tháng thì mới nên điều trị rạn da bằng laser. Phương pháp này không đưa da về ban đầu nhưng cải thiện được tình trạng da nhăn nhúm, giảm kích thước vết rạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần