Phóng sinh rằm tháng 7: Điệp khúc người thả, kẻ bắt

Minh An - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phóng sinh là một hình thức nghi lễ tốt đẹp vào dịp tháng 7 Âm lịch. Nhưng hiện nay, nhiều người phóng sinh theo phong trào, số đông, chạy theo số lượng khiến phong tục này trở nên biến tướng, vô tình tiếp tay cho việc săn bắt, tận diệt động vật.

Nhộn nhịp chợ bán động vật phóng sinh

Tháng 7 Âm lịch còn được gọi là “tháng cô hồn”, cũng là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên. Vào dịp này, nhiều người còn có thêm nghi lễ cúng chúng sinh và phóng sinh chim, cá, cua, ốc… với ước muốn được may mắn, an lành.

Người mua chim phóng sinh trên đường Hoàng Hoa Thám.
Người mua chim phóng sinh trên đường Hoàng Hoa Thám.

Tại Hà Nội, địa điểm tập trung nhiều điểm bán động vật phóng sinh thường gần các sông, hồ, đình chùa lớn. Ngày 9/8, theo khảo sát của phóng viên KT&ĐT tại “phố chim” Hoàng Hoa Thám, biển hiệu “bán chim phóng sinh” được treo trước cửa nhiều cửa hàng. Lồng chim được bày san sát với đủ loại, phổ biến là các loài chim sẻ, chim ri và vành khuyên. Giá các loại chim dao động từ 18.000 – 25.000 đồng/con.

Sổ ghi chú những đơn đặt hàng mua chim của tiểu thương trên phố Hoàng Hoa Thám.
Sổ ghi chú những đơn đặt hàng mua chim của tiểu thương trên phố Hoàng Hoa Thám.

Quan sát thấy các phương tiện đi chậm trên phố, bà Nguyễn Thị Tuyết (tiểu thương bán chim trên phố Hoàng Hoa Thám) đon đả chào mời, ngắn gọn: “Chim phóng sinh của cửa hàng chị đẹp nhất phố, sẻ 20.000 đồng, ri đá 20.000 đồng, khuyên 25.000 đồng”. Khi biết khách hàng hỏi mua 100 chim sẻ, bà Tuyết mở cuốn số ra ghi lại những chi tiết quan trọng về thời gian “ship” chim cho khách, địa điểm và kèm theo một khoản đặc cọc.

Theo các tiểu thương, do nhu cầu mua vào tăng cao từ đầu tháng 7, các loại chim phóng sinh được thu mua từ rất nhiều tỉnh thành khác nhau như Bắc Giang, Hưng yên, Sơn La.... trung bình mỗi ngày một cửa hàng nơi đây bán ra khoảng 1.000 con chim phóng sinh. Chính vì vậy, những ngày này ở phố Hoàng Hoa Thám không chỉ có người mua mà còn có cả người bắt, bẫy chim đến đổ buôn cho thương lái, bán lẻ với người dân. Quy trình người bắt, người thả cứ liên tục tiếp diễn.

Các loại thuỷ sản được bán phóng sinh tại chợ Bưởi.  
Các loại thuỷ sản được bán phóng sinh tại chợ Bưởi.  

Tương tự, ở khu vực chợ Bưởi, khung cảnh mua bán ốc, cua, cá cũng nhộn nhịp. Để tiện giao dịch, ốc và cua được để sẵn vào rổ, chậu phơi nắng đến trưa. Do đó đã có trường hợp, khách hàng sau khi mua phát hiện ốc chết, bốc mùi, chủ cửa hàng đã phải đền với giá 30.000 đồng/cân.

Người bán hé lộ bí mật

Tại cửa hàng chim phóng sinh Ngọc Anh trên dốc Hoàng Hoa Thám, chủ cửa hàng kể câu chuyện về thực trạng phóng sinh hiện nay: “Phóng sinh là việc làm tốt đẹp. Không chỉ riêng rằm tháng 7, nhiều người thường xuyên mua chim vào ngày rằm để thả. Họ không mua số lượng lớn, có người chỉ mua 5 – 7 con hoặc đi trên đường thấy có cửa hàng ốc, cá là họ vào mua rồi đi thả. Còn rằm tháng 7, nhiều người mua theo phong trào, số lượng lớn, chính vì thế hàng hoá khan hiếm, nhiều nơi đẩy giá lên cao”.

Khách hàng kể chuyện mua chim, ốc đi phóng sinh bị người khác bắt lại, mang đi bán.
Khách hàng kể chuyện mua chim, ốc đi phóng sinh bị người khác bắt lại, mang đi bán.

Không chỉ vậy, trò chuyện với một người mua chim phóng sinh ở cửa hàng Ngọc Anh, phóng viên được kể lại rằng: Người mua ốc, cua, cá, chim phóng sinh thường có thói quen thả ở những sông, hồ lớn. Tuy nhiên, họ không biết rằng, có những người đã giăng lưới hàng chục mét quanh đó. Người dân thả xong, họ lại cất lưới lên thu lại, rồi lại mang ra chợ bán. Thậm chí, có nhiều người mua số lượng quá nhiều mà không biết mình mua phải ốc, cua đã chết để phóng sinh. Với loài cá, người phóng sinh hay đứng trên cầu thả, hay không cho cá làm quen với nước trước thì cá sẽ ngợp, không sống được. Như vậy, phóng sinh không có ý nghĩa gì.

Tương tự, mỗi khi có người đến mua, người bán sẽ dùng tay bắt vài chú chim bỏ vào một chiếc lồng hoặc hộp cát-tông nhỏ. Chim sau nhiều giờ bị nhốt trong lồng chật, bị người bán bóp quá chặt khiến sức không còn khoẻ. Nhiều chú chim kiệt sức ngay sau khi được thả về trời, giữa hồ nước. Thậm chí, có người còn đi thuyền, phóng sinh chim giữa sông, như vậy là gián tiếp tận diệt chim.

Mặc dù vậy, chia sẻ với phóng viên, một số người dân cho biết dù biết là cá, chim sẽ bị bắt lại nhưng vì thành tâm, vì làm đúng với phong tục ngày lễ Vu Lan nên họ vẫn thả. Trong khi đó, rất nhiều người khác lại thẳng thắn bày tỏ sự không ủng hộ việc làm này. Theo họ, thả cá, chim tràn lan trong dịp lễ sẽ chỉ làm lợi cho một số người với hành vi vớt lên bán lại, và còn gây ảnh hưởng xấu tới môi trường do xác chết của chúng. Do vậy, người phóng sinh không nên làm theo phong trào. Bởi, làm việc thiện không cần ai biết đến, không nghĩ đến chuyện được báo đáp thì đó mới là chân thiện.

Theo Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ: “Phóng sinh bằng cái tâm, không có quy chuẩn về phóng sinh số lượng bao nhiêu chim cá, loại chim to hay nhỏ, quý hay thường. Các nhà sư đều hướng dẫn người dân phóng sinh sao để khơi lòng hiếu sinh, chứ không phải tạo công đức thực dụng".

Các chuyên gia văn hoá nhấn mạnh rằng, người phóng sinh theo phong trào, thấy người ta thả nhiều mình cũng cố chạy theo số đông thì dễ vướng vào tham, sân, si trong nhà Phật, khi đó là mất chứ không phải là được. Hãy làm bằng thiện tâm, bằng tự do tín ngưỡng và bằng hiểu biết thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần