Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng tránh chấn thương thể thao

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chấn thương thể thao là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong thi đấu chuyên nghiệp. Chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh các chấn thương khi tham gia thi đấu, các vận động viên nên được kiểm tra sức khỏe tổng thể trước và đánh giá thông quan bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.

SEA Games 31 đang diễn ra tại Việt Nam, quy tụ hơn 40 môn thể thao với 526 nội dung thi đấu khác nhau. Bất kỳ đoàn vận động viên nào cũng đều có lực lượng y bác sĩ riêng đi theo hỗ trợ các vận động viên trong quá trình thi đấu.

Chấn thương thể thao được xử trí đúng cách, bài bản

Liên quan đến vấn đề chấn thương thể thao, bác sĩ Phan Bá Hải - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức cho hay, không chỉ riêng các vận động viên thể thao thành tích cao mà hiện nay nhu cầu tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe tăng lên nhiều.

Tuy nhiên, nếu người tập không trang bị các kiến thức cần thiết để bảo vệ cho bản thân mình thì có nguy cơ gặp các chấn thương từ nhẹ đến nặng khi tập thể thao. Khi bị chấn thương thể thao thường ám chỉ đến chấn thương của các khớp bởi đây là bộ phận chịu áp lực và vận động nhiều nhất trong khi chơi thể thao.

Tuy chưa có thống kê cụ thể về số các trường hợp chấn thương thể thao tới BV, nhưng nói chung, hiện nay, tỷ lệ người tập thể thao gặp chấn thương tăng hơn rất nhiều so với trước kia. Đơn cử, riêng chấn thương vùng cổ tay,  nhiều năm trước mỗi ngày chỉ có 1 đến 2 trường hợp, nhưng nay có ngày BV đón tiếp đến 20 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Phan Bá Hải, tất cả chấn thương thể thao ở các vận động viên chuyên nghiệp hầu hết đều được xử trí đúng cách, bài bản. Bởi vận động viên và những bác sĩ thể thao - những người đã được trang bị những kiến thức, công cụ sơ cứu chuẩn, cũng như các biện pháp phòng hộ chấn thương đúng đắn nên việc điều trị đều không gặp khó khăn gì.

Khó khăn nhất thường gặp ở người tập thể thao bình thường. Bệnh nhân khi bị chấn thương thể thao không đến ngay cơ sở y tế hay không biết cách sơ cứu ban đầu, thậm chí, dùng các biện pháp không phù hợp như thuốc, bó lá không rõ nguồn gốc dẫn đến hậu quả là làm chấn thương thêm trầm trọng.

 Đội Y tế thường trực tại nhà thi đấu quận Bắc Từ Liêm kịp thời cấp cứu cho vận động viên bị chấn thương trong lúc thi đấu.
 Đội Y tế thường trực tại nhà thi đấu quận Bắc Từ Liêm kịp thời cấp cứu cho vận động viên bị chấn thương trong lúc thi đấu.

Theo mức độ chấn thương, có thể chia làm mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Chấn thương phổ biến và hay gặp nhất ở người chơi thể thao là bong gân. Thực chất, bong gân là những chấn thương giãn dây chằng, chia theo các độ, tương ứng với  milimet. Giãn dây chằng độ  1, 2 là nhẹ và không cần can thiệp quá nhiều, người bệnh chỉ cần sơ cứu, bất động, nghỉ ngơi và dùng các biện pháp phục hồi chức năng khác sẽ khỏi. Nhưng ở mức độ 3 là có khả năng đứt dây chằng, bệnh nhân phải được phẫu thuật sớm.

Ngoài cấp cứu ngừng tuần hoàn rất hiếm gặp trong chấn thương thể thao, bất cứ người tập thể thao nào cũng cần phải biết 4 nguyên tắc cơ bản khi sơ cứu chấn thương thể thao mức độ nhẹ, thông thường là nghỉ ngơi (bất động), băng chun, chườm đá và gác cao chi thể. Khi chườm đá, cần lưu ý bọc đá trong các lớp khăn để tránh gây bỏng lạnh cho người bệnh. Các chấn thương sưng nề tuyệt đối không nên chườm nóng, chỉ chườm đá vào vết thương, nhưng lưu ý phòng tránh bỏng lạnh.

“Trong các trận thi đấu thể thao khi vận động viên gặp chấn thương, bác sĩ thường có lọ xịt lạnh vào khu vực bị sưng. Sau chấn thương, cơ thể thường xuất hiện tụ máu, sưng nề… đây là những phản ứng viêm của cơ thể. Nếu càng tăng nhiệt độ, các phản ứng trong cơ thể xảy ra càng nhanh, càng làm cho vết sưng nề thêm khó chịu, đau nhiều hơn. Đây là nguyên nhân mà khi sơ cứu các chấn thương nói chung và chấn thương thể thao nói riêng, không nên chườm nóng, chỉ chườm lạnh vết sưng nề, rất nhiều người mắc phải sai lầm này trong xử trí chấn thương” - bác sĩ Hải lý giải.

Biện pháp phòng tránh

Để phòng, tránh chấn thương thể thao, bác sĩ Hải lưu ý, trước khi tập các môn thể thao, chúng ta cần tìm hiểu kỹ và trang bị cho mình kiến thức về môn thể thao đó để người tập có kỹ năng phòng, tránh chấn thương. Điều quan trọng nhất để phòng, tránh chấn thương khi chơi thể thao là người tập cần khởi động thật kỹ trước khi tập, đặc biệt là các khớp vận động nhiều hay chịu tác động lực. 

Người tập cần có đồ bảo hộ phù hợp với môn thể thao đó, như các môn đua xe đạp cần phải có áo bảo hộ, mũ. Môn đá bóng cần có giày đá bóng, sân tập đảm bảo an toàn. Môn boxing cần có găng tay, mũ và miếng ngậm bảo vệ răng….

Ngoài ra, người tập cần lắng nghe cơ thể, với mỗi người tập thể thao có môn ưa thích khác nhau nhưng nên lưu ý tập môn phải phù hợp với thể trạng, sức khỏe, lứa tuổi. Một người 65 tuổi không nên tập thể thao với cường độ của một người 25 - 30 tuổi được. Thời lượng tập thể thao cũng nên phù hợp lứa tuổi, nếu cảm thấy mệt, hãy tập từng chút một, không nên gắng sức quá sẽ dễ gặp chấn thương.

Những ngày qua, vận động viên Wushu Nguyễn Văn Phương đã phải bỏ lại giấc mơ tranh huy chương tại SEA Games 31 do bị chấn thương.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Trần Anh Vũ - Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, BV Đa khoa Tâm Anh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để tránh các chấn thương khi tham gia thi đấu võ thuật, các võ sĩ nên được kiểm tra sức khỏe tổng thể trước và đánh giá thông quan bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.

Trước khi lựa chọn môn thể thao sắp gắn bó, người chơi cần tìm hiểu kỹ các chấn thương sẽ gặp phải và đánh giá mình có phù hợp hay không để quyết định tiếp tục theo đuổi hay dừng lại.

Chuyên gia khuyến cáo, với các võ sĩ chuyên nghiệp, khi thi đấu nên khởi động kỹ, nhập cuộc từ từ không tập quá đột ngột gây nguy hại đến hệ tim mạch dễ dẫn đến các chấn thương. Mặc quần áo thoải mái, đeo bảo hộ (nếu có) khi thi đấu cũng là cách bảo vệ cơ thể trước các chấn thương không mong muốn.

Vận động viên dù tập luyện thường xuyên nhưng vẫn tập trung tối đa khi biểu diễn, bởi chỉ một sai sót nhỏ sẽ gây chấn thương, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu.

Cũng theo các chuyên gia y tế, trong thời gian chưa được các bác sĩ chuyên ngành y học thể thao đánh giá, người bị chấn thương khớp gối không nên quay lại chơi thể thao vì có thể điều này sẽ khiến tình trạng tổn thương lặp lại, hoặc trầm trọng hơn.

Đối với những người chơi thể thao nghiệp dư, điều quan trọng nhất là khởi động thật kỹ và luyện tập các tư thế đáp chân đúng trong từng môn thể thao cụ thể.

Để tránh các tổn thương không đáng có đối với các lực tác động trực tiếp, chúng ta cần tập luyện để có một cơ đùi khỏe mạnh. Từ đó, khớp gối được cơ đùi hỗ trợ, sẽ trở nên vững chắc hơn, sức chịu đựng và thích nghi với các lực tác động từ bên ngoài cũng lớn hơn.