Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phong trào Người tốt, việc tốt: Nếp văn hóa hằng ngày của người dân Thủ đô

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế, các đơn vị, địa phương có nhiều giải pháp hiệu quả, gắn phong trào NTVT của TP với các phong trào thi đua trọng tâm của mình

Tròn 30 năm hình thành và phát triển (1992 - 2022), phong trào thi đua Người tốt, việc tốt (NTVT) TP Hà Nội ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi sâu vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, gắn liền các cuộc vận động (CVĐ), phong trào thi đua khác để trở thành một nét riêng, góp phần xây dựng, phát huy văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tận tâm, tận lực góp vào vườn hoa việc tốt

Theo đại diện Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội, kết quả nổi bật là công tác phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) được thực hiện từ cơ sở. Gương ĐHTT, NTVT được các cấp, ngành TP phát hiện ngày càng tăng về số lượng và phong phú thành phần, đối tượng.

Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn trao danh hiệu ''Người tốt, việc tốt'' cho các cá nhân năm 2021. Ảnh: Thanh Hải
Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn trao danh hiệu ''Người tốt, việc tốt'' cho các cá nhân năm 2021. Ảnh: Thanh Hải

Từ các nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên (LLVT, HS, SV), đến văn nghệ sĩ, doanh nhân, người khuyết tật, người lao động (NLĐ) tự do, người nước ngoài... Điều này đã có tác dụng định hướng dư luận, yếu tố quan trọng đẩy lùi cái xấu, nhân lên việc làm tốt trong cộng đồng. Tất cả đều tận tâm, tận lực góp công sức cho vườn hoa việc tốt Thủ đô thêm ngát hương.

Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của phong trào, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giúp phong trào phát triển rộng khắp, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP. Thực tế, các đơn vị, địa phương có nhiều giải pháp hiệu quả, gắn phong trào NTVT của TP với các phong trào thi đua trọng tâm của mình

. Điển hình như Hội Cựu chiến binh TP gắn với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Nông dân gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; Hội LHPN gắn với “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… Phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), NLĐ được TP triển khai gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, “CBCCVC, NLĐ thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”...

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phong trào như được nhân lên thông qua sự chung tay của Nhân dân với các cấp, ngành từ TP đến cơ sở, quyết tâm cao đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Trong thử thách, các lực lượng ở cơ sở và Nhân dân phát huy cao tinh thần chủ động, tổ chức nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, ủng hộ tiền và vật chất, đồng lòng với TP chống dịch. Có được một Hà Nội bình yên hôm nay còn là công lao to lớn của các lực lượng tuyến đầu và bao con người gác lại việc riêng, một người vì nhiều người.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, T.Ư, TP đã kịp thời khen thưởng, biểu dương các ĐHTT, NTVT thuộc TP Hà Nội trong phòng chống dịch Covid-19: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động cho 6 tập thể; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen 112 tập thể, 56 cá nhân; Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen 1.682 tập thể, 1.833 cá nhân…

Đáng chú ý, từ năm 2010, TP ban hành Quy chế xét tặng “Công dân Thủ đô ưu tú”, hằng năm chọn 10 tấm gương nổi bật nhất trong số ĐHTT, NTVT đã được phát hiện và ghi nhận, đại diện tiêu biểu cho từng ngành, lĩnh vực công tác và đời sống xã hội để tặng thưởng danh hiệu này vào dịp 10/10. Đến nay đã có 129 “Công dân Thủ đô ưu tú” được vinh danh thuộc đủ lứa tuổi, thành phần xã hội được TP tôn vinh, trong đó nhiều cá nhân đến nay vẫn có ảnh hưởng tích cực ở địa phương, đơn vị.

mở rộng địa giới hành chính, TP có thế và lực mới cùng sự hội tụ, giao thoa các nền văn hóa có bề dày truyền thống đã mang lại động lực mới cho các phong trào thi đua và phong trào NTVT, góp phần tạo nên những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Với hình thức phong phú trong phát hiện, số ĐHTT các cấp được phát hiện ngày càng tăng, từ 2015 đến nay có hàng vạn tập thể, cá nhân ĐHTT, NTVT được biểu dương khen thưởng cấp cơ sở; mỗi năm TP khen thưởng gần 1.000 gương NTVT trên các lĩnh vực.

Nét nổi bật nữa là phong trào thi đua NTVT của TP ngày càng được các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều chuyên trang, chuyên mục, chương trình giao lưu gương ĐHTT, trong đó có chuyên trang “Người tốt, việc tốt” của Báo Kinh tế & Đô thị, đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi trong Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT được triển khai từ 2015 với sự tham gia tích cực của cán bộ, phóng viên cơ quan báo chí cùng đông đảo CBCCVC, cán bộ chiến sĩ, HS, SV trên địa bàn, xuất hiện ngày càng nhiều tác giả là cán bộ cơ sở, người dân...

Thi đua thực chất, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Đỗ Đức Thịnh cho hay, năm nay tròn 30 năm phát triển phong trào thi đua NTVT của TP, kết quả nổi bật là Ban đã chủ động tham mưu TP ban hành kế hoạch tổ chức chùm hoạt động phong phú từ TP đến cơ sở và các cụm thi đua, với nhiều chương trình biểu dương, tôn vinh, giao lưu ĐHTT, NTVT… Cấp TP đã tổ chức Hội thảo khoa học tìm giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua NTVT; vừa trao giải Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT và hoàn thành sách Những bông hoa đẹp…

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, phát hiện gương ĐHTT được quận, huyện triển khai đồng đều hơn giữa các phường, xã, lan tỏa rộng khắp; lập tổ công tác phát hiện NTVT. Hằng tháng những tấm gương có nghĩa cử cao đẹp được dư luận đưa lên mạng xã hội, tổ công tác quận, huyện hay của TP đều kịp thời khảo sát, đủ điều kiện thì đề xuất khen ngay.

Cùng đó, tính chất tốt đẹp ở các góc độ xã hội được phát hiện, tôn vinh đã đồng đều hơn. Trước chủ yếu là gương làm thiện nguyện (giúp người yếu thế, nhặt được của rơi, hiến máu…), nay lan tỏa nhiều ngành, với nhiều gương hơn: Đó là cô giáo ngoài giờ lên lớp còn nhận đỡ đầu HS hoàn cảnh khó khăn và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện; là anh chiến sĩ kịp thời cứu hỏa, công chức tham gia hoạt động hướng về cộng đồng; là tăng ni tích cực tham gia hoạt động ở địa phương... cũng được đề nghị khen thưởng. Sở NN&PTNT vừa đề xuất khen thưởng một người nước ngoài có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã huyện Sóc Sơn.

“Chúng tôi mong phong trào NTVT ngày càng lan tỏa, với công tác phát hiện, tuyên truyền, tôn vinh ĐHTT gắn chặt hơn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chẳng hạn ở các huyện đang phấn đấu trở thành quận cần đẩy mạnh những phong trào để NTVT xuất sắc trong các lĩnh vực góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện đó là phấn đấu lên quận vào năm 2025.

Góc độ thi đua cũng cần ngày càng thực chất, có tiêu chí chấm điểm rõ ràng để đánh giá thi đua. Như bình xét cuối năm, ngoài căn cứ kết quả thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đơn vị còn cần căn cứ các chỉ tiêu trong năm giới thiệu được bao nhiêu gương, khen thưởng bao nhiêu cá nhân…”- ông Đỗ Đức Thịnh chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng TP, những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 570 - 600 NTVT được khen cấp TP và đang phấn đấu đưa con số này lên khoảng 800 NTVT trở lên được khen thưởng. Để đạt được, TP sẽ đẩy mạnh công tác phát hiện gương ĐHTT từ Cuộc thi viết NTVT.

Các cơ quan báo chí cần tích cực thực hiện nhiều tin bài, tuyên truyền nhiều gương hơn, gắn với xu thế chuyển đổi số và mạng xã hội. Quận, huyện, sở, ngành cũng cần được hướng dẫn sát sao hơn để làm tốt phát hiện, tuyên truyền, khen thưởng, đề xuất gương với TP; đẩy mạnh Cuộc thi…

 

Dự kiến đúng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/2022), Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP sẽ tổ chức tôn vinh 10 Công dân Thủ đô ưu tú và 15 gương NTVT tiêu biểu, đại diện cho gần 600 gương NTVT năm 2022 trong các cấp, ngành của TP.