Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phóng viên bị bắt vì tống tiền: Không thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Nguyên nhân khách quan là sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Nhưng chủ quan chính là công tác tuyển dụng, sử dụng nhân lực.

Vụ việc 2 phóng viên của một tạp chí bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tống tiền Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cũng như nhiều vụ việc trước đó ngày càng làm tăng thêm sự nghi ngại của dư luận về sự suy giảm đạo đức của một bộ phận người cầm bút nhân danh nhà báo.
Trần Trọng Lâm - Phó trưởng Ban Xã hội-Bạn đọc, báo Sức Khỏe và Đời sống bị bắt vì có hành vi cưỡng đoạt tài sản công dân.

Ngay trong ngày 25/7, tại khu vực phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội), các cơ quan chức năng đã bắt quả tang Trần Trọng Lâm (SN 1976), Phó trưởng Ban Xã hội-Bạn đọc, báo Sức Khỏe và Đời sống có hành vi cưỡng đoạt 210 triệu đồng của anh Dương Văn T (SN 1982), ở Nguyễn Thái Học, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông (TP Hà Nội).
Là người làm công tác đào tạo báo chí lâu năm, PGS-TS Hà Huy Phượng - giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, đây là câu chuyện không hề mới mẻ, nhưng lại là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự nghề nghiệp của các nhà báo, cơ quan báo chí và cao hơn nữa là đối với nền báo chí cách mạng.
Theo PGS-TS Hà Huy Phượng, nguyên nhân của vấn đề này có cả khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, đó là sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, đồng tiền đã trở thành yếu tố chi phối hoạt động nghề nghiệp của nhà báo.
Bên cạnh đó, toàn cầu hóa và sự bùng nổ truyền thông đã tạo ra một môi trường truyền thông hỗn hợp, là "mảnh đất" màu mỡ để một số cơ quan báo chí, truyền thông, phóng viên, cộng tác viên tranh thủ kiếm chác bằng mọi thủ thuật, trong đó kể cả việc sẵn sàng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để đạt được mục đích kinh tế.
Nguyên nhân chủ quan nằm ở chính công tác tuyển dụng nhân lực của một số cơ quan báo chí. "Chưa bao giờ việc tuyển dụng nhân lực làm báo dễ dàng như bây giờ. Bất kỳ người nào, tốt nghiệp ngành gì cũng có thể được cơ quan báo chí tuyển dụng, sử dụng vào làm phóng viên thử việc ngắn hạn hoặc ký hợp đồng dài hạn. Với phương thức giao khoán định mức tin, bài kiêm làm hợp đồng quảng cáo, tuyên truyền, PR, vô hình trung đẩy các phóng viên, cộng tác viên không được đào tạo bài bản, thiếu bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp vào "đường đua" của việc kiếm nguồn thu cho tòa soạn và của cá nhân, dẫn đến vi phạm phạm luật và đạo đức nghề nghiệp" - vị giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu quan điểm.
Minh họa: Phượng ớt

Sự "dễ dãi" còn được thấy trong việc nhiều toà soạn buông lỏng quản lý, sẵn sàng tự in và cấp "Thẻ phóng viên", giấy giới thiệu cho phóng viên tạm tuyển, cộng tác viên để hành nghề. Những người này thường "núp bóng" tư cách pháp nhân cơ quan báo chí để đi dọa nạt, "bắt vở" các doanh nghiệp, địa phương. Thậm chí, không loại trừ có tòa soạn đứng sau để "chống lưng", đồng thời kết nối với các tòa soạn "cùng hội".

Trong bối cảnh đó, việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đang được dư luận kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế, ngăn chặn vấn đề vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Nó sẽ có tác dụng ngăn chặn từ đầu, giải tán, chấm dứt hoạt động của những cơ quan báo chí không có đủ điều kiện để hoạt động nghề báo một cách đàng hoàng.

Ở góc độ hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, PGS-TS Hà Huy Phượng cho rằng, nếu các cơ quan báo chí chú trọng tốt khâu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà báo một cách bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu mô hình "nhà báo đa năng", chắc chắn sẽ có một đội ngũ nhà báo chất lượng cao. Khi đó chúng ta ít lo ngại vấn đề vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo.

Theo ông Phượng, ở góc độ quản lý nhà nước, cần có chính sách cụ thể, trực tiếp đối với các nhà báo trên cơ sở chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp, từ đó có chế độ đãi ngộ xứng đáng để các nhà báo không phải lăn tăn, lo lắng, lẫn lộn giữa chuyện hành nghề với chuyện lợi dụng nghề để kiếm ăn. Nếu giải quyết tốt vấn đề này chắc chắn cũng sẽ giảm đi vấn đề vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo.

Cùng với đó, cũng theo ông Phượng, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý nghiêm minh những trường hợp nhà báo vi phạm luật pháp và đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt, vị giảng viên báo chí nhấn mạnh đến việc cần dẹp bỏ các trang thông tin điện tử núp bóng báo chí dung túng cho các "nhà báo dởm" lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp để tống tiền các doanh nghiệp, ngành, địa phương, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đội ngũ nhà báo, nền báo chí nước nhà.