Phóng viên thể thao: Lao mình vào “cơn bão” truyền thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một balo nặng tới vài chục kg, một máy ảnh ống kính 300 to đùng và nặng nề trước ngực, quần sooc, áo thun lê la xung quanh những nơi thi đấu.

Ánh Viên trong vòng vây báo chí.  	Ảnh: Dư Hải
Ánh Viên trong vòng vây báo chí. Ảnh: Dư Hải
Có thể hình dung một cách sơ bộ về phóng viên thể thao như thế - một lực lượng phóng viên khác biệt, đầy máu lửa và trực tiếp góp phần làm nên những chiến tích trong thể thao.

Lặng lẽ hơn, chiều sâu hơn

SEA Games 28 vừa rồi ở Singapore, BTC đã “té ngửa” khi phải tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm thẻ SEA Games rất đông của phóng viên Việt Nam. Gần 700 đơn xin làm thẻ tác nghiệp trong khi cả đoàn thể thao Việt Nam chỉ có khoảng 350 VĐV, như vậy có thể hiểu mỗi VĐV được chăm sóc bởi… 2 nhà báo. Cuối cùng, vì Singapore khá đắt đỏ, một phần vì SEA Games không còn độ “nóng” như trước đây nên số lượng phóng viên Việt Nam “cập bến” SEA Games khoảng 200 người, đủ các loại hình báo chí, từ báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử.

Vẫn quá đông, thử tính chi phí cho một chuyến đi dài hơn 2 tuần tác nghiệp tại SEA Games, chi phí trung bình cho mỗi phóng viên không dưới 50 triệu đồng cho một chuyến đi. Như vậy là khoảng 10 tỷ đồng để phục vụ truyền thông, chưa kể các phụ phí liên quan đến đường truyền…

Thời điểm này, cùng sự bùng nổ của báo mạng, mạng xã hội mảng báo chí thể thao nói chung cũng có những khó khăn. Có những năm, thể thao Việt Nam có tới 7 - 8 nhật báo chuyên về thể thao. Hiện, số lượng rút xuống, có những tờ phải đóng cửa. Cũng bởi khó khăn như thế nên hầu như các báo đều rất tính toán trong việc đưa phóng viên đi tác nghiệp. Thậm chí có những báo thể thao chấp nhận cho phóng viên ngồi nhà tổng hợp thông tin từ website chính thức của BTC thay vì đầu tư hàng trăm triệu vào sự kiện này.

Ngay cả những báo có lượng phát hành lớn cũng không dùng quá nhiều dung lượng cho SEA Games. Nếu có đầu tư, thì tập trung cho điện tử nhiều hơn. Cuộc chiến thông tin cũng khốc liệt không kém cuộc chiến trên những thảm đấu SEA Games. Nếu như trước đây một phóng viên thể thao chỉ làm một số việc như ghi nhận, chụp ảnh rồi gửi tin bài về cho tòa soạn thì nay họ phải cùng lúc làm quá nhiều việc: viết nóng cho online, chụp ảnh, quay clip chuyển về, sau đó ngồi viết những bài chuyên sâu cho báo in ngày hôm sau.

Phóng viên viết có cái khổ của viết, phóng viên truyền hình cũng “cực” không kém, Nguyễn Văn Nghị - phóng viên của Đài Truyền hình VTC nói: “Chúng tôi đi đâu cũng phải cồng kềnh máy móc, cũng phải cẩn thận để không làm cho nó hỏng hóc bởi đó là tiền Nhà nước. Làm xong sự kiện này, lại ngay lập tức cả ekip lao tới chỗ khác để kịp lấy hình, nói chung là rất cực, nhưng làm phóng viên thể thao cũng có niềm vui riêng là khi thấy VĐV nước mình đoạt HCV, mình cũng có cảm giác như mình chiến thắng”.

Báo điện tử cũng có những cuộc chiến riêng. Ấy là mạng xã hội. Với độ phủ của mạng xã hội, cũng không dễ cho các phóng viên điện tử. Chẳng hạn khi Thanh Phúc đoạt HCV nội dung đi bộ, lập tức hình ảnh của cô với lá cờ đỏ sao vàng tung bay có mặt tràn lan trên facebook cùng thành tích.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến truyền thông, ngoài những thông tin nóng hổi trên truyền hình, online thì người đọc vẫn cảm nhận được độ sâu lắng của những bài báo của ngày hôm sau.

Cùng nhau đóng góp vào thành công của thể thao

Năm 2005 khi SEA Games diễn ra ở Philippines, HLV A.Riedl đã rất tức giận khi thấy đội tuyển của ông “phải” ở chung phòng với các phóng viên. Họ ra vào, nói chuyện ồn ào, ảnh hưởng tới các cầu thủ. Năm đó cũng là năm vụ bán độ SEA Games bị phát lộ và một nhà báo đã phải lên cơ quan điều tra để làm rõ một số vấn đề. Tất nhiên là nhà báo này không tham gia vào chuyện bán độ nhưng từ đó VFF cũng như  Tổng cục TDTT quyết định không để đội tuyển “quá thân” với truyền thông.

Ở SEA Games 2015 vừa qua, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam, BTC SEA Games cũng phải ra lệnh cấm giới truyền thông không được phỏng vấn VĐV trong giờ ăn sau khi chứng kiến cảnh VĐV bị phóng viên làm phiền khi đang ăn. Một thành viên BTC nói: “VĐV không thể có thành tích tốt nhất nếu bữa ăn của họ luôn bị báo giới làm phiền”.

Cách đây không lâu, trước thềm SEA Games, HLV Miura cũng rất bực bội khi cánh phóng viên săn đón ông và các cầu thủ nên đã đề nghị VFF ra văn bản “cấm truyền thông”: Bên cạnh các buổi tập mở, HLV người Nhật Bản sẽ bố trí những buổi tập kín và chỉ cho phép phóng viên tác nghiệp trong 15 phút đầu tiên. Ngoài ra, ông Miura cũng sẽ chỉ "lên mặt báo" 1 buổi/1tuần. HLV Miura cũng giới hạn truyền thông chỉ được phỏng vấn tối đa 2 cầu thủ mỗi lần. Và các câu hỏi đều phải gửi trước. Lúc đầu, chính các phóng viên cũng phản ứng với quyết định này nhưng sau đó họ buộc phải tôn trọng thái độ làm việc rất chuyên nghiệp của HLV người Nhật.

Bên cạnh việc thường xuyên “làm phiền” các HLV, VĐV, các phóng viên đã góp phần làm nên thành công của đoàn thể thao Việt Nam. Tới mức, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cũng phải thốt lên: “Cảm ơn các đồng chí phóng viên”.

Đó là việc trước khi khai mạc SEA Games 28, bộ môn bóng bàn rất bối rối khi BTC ghi sai tên VĐV Việt Nam trong danh sách thi đấu, với áp lực giám sát của giới truyền thông, BTC môn bóng bàn giờ cuối phải sửa tên VĐV Việt Nam trong bản danh sách thi đấu cho đúng với danh sách ban đầu mà bóng bàn Việt Nam đăng ký. Điều này đã giúp VĐV Việt Nam tham dự đúng và đủ các nội dung của mình.

Nhưng câu chuyện đặc biệt nhất chính là việc các nhà báo đã “đòi” được tấm HCV cho tay đua Nguyễn Thị Thật. Trong buổi sáng ngày 13/6 ở môn xe đạp, ngay tại đích đến, cua rơ Thái Lan đã giở tiểu xảo không đẹp để ép Nguyễn Thị Thật suýt văng vào lề đường để rồi về đích. Ban đầu, BTC định trao HCV cho VĐV Thái Lan nhưng những nhà báo đã ở đó phản đối và cùng đưa ra những bằng chứng về vi phạm của VĐV Thái Lan. Hành động kịp thời của các nhà báo chúng ta đã được đền đáp xứng đáng khi tổ trọng tài môn xe đạp đã hành động ngay và trả lại tấm HCV cho Nguyễn Thị Thật. Đáng nói đây là tấm HCV duy nhất của xe đạp Việt Nam tại SEA Games 28 lần này.

Còn nhớ ở SEA Games trước, VĐV Thanh Phúc đã tức tưởi khi chỉ nhận HCB dù các nhà báo đã đưa ra được bằng chứng là đối thủ của cô - VĐV nước chủ nhà thực tế đã chạy chứ không đi bộ. Năm nay Phúc có niềm vui nhân đôi (thi một nội dung nhưng nhận… 2 HCV) khi cô được nhận lại tấm HCV để “lỡ” ở SEA Games trước khi BTC đã công nhận kết quả của các nhà báo Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần