Kinhtedothi - Thời điểm này, trên những dãy núi, đồi nhấp nhô, cằn cỗi của các xã Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất) đang nhú lên mầm non của các loại cây lát hoa, sấu, trám đen… Việc chuyển đổi từ rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái đang được coi là hướng đi nhằm mang lại sức sống mới cho rừng và cải thiện thu nhập cho người dân.
Khai thác tối đa lợi thế
Sống dưới chân những ngọn núi khô cằn, thu nhập của người dân hai xã Yên Bình và Yên Trung chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, trong đó có nghề trồng rừng. Đã bao đời nay, người dân cần mẫn trồng keo, bạch đàn phủ xanh đất trống, đồi trọc nhưng hiệu quả kinh tế còn rất hạn chế. Ông Đặng Văn Nông, thôn Thung Mộ, xã Yên Bình cho biết, ông có hơn 1ha đất trồng rừng vừa thu hoạch keo sau 7 năm trồng, thu về 60 triệu đồng. Số tiền ấy nghe thì có vẻ nhiều với người dân cần cù chịu khó nơi đồng rừng, nhưng chia ra trong từng ấy năm, thì mỗi năm chưa thu nổi 10 triệu đồng. Bởi thế, ngoài trồng rừng, ông Nông còn phải xoay sở tìm kế sinh nhai trên gần 1 mẫu ruộng. Rồi từ cây lúa, cây khoai, vài năm trở lại đây, ông đã chuyển sang trồng hoa cho thu nhập khá. Cũng chính bởi thu nhập từ trồng keo, bạch đàn thấp nên bà con nông dân ít quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ông Nông chia sẻ, do không được quan tâm chăm sóc thường xuyên trong khi thảm thực bì lại dày, vào mùa khô rất dễ bén lửa gây cháy rừng.
Giống như Thung Mộ, việc trồng rừng ở các thôn khác của xã Yên Bình cũng trong tình trạng tương tự. Theo một số người dân, trước đây trồng keo trung bình từ 8 - 10 năm mới cho khai thác nhưng hiện nay người dân đã có ý thức hơn trong việc trồng, chăm bón nên thời gian thu hoạch chỉ khoảng 5 - 6 năm. Người dân có thể bán gỗ keo theo cây hoặc theo trọng lượng (kg). Mặc dù vậy, hiệu quả kinh tế từ trồng keo, bạch đàn là rất thấp. Có hộ dân lúc túng bấn còn chặt cả cây keo non tuổi đem đi bán. Bởi thế, rừng keo vốn hiệu quả thu nhập đã thấp lại càng trở nên bấp bênh hơn. Thậm chí, có những diện tích đất rừng bị bỏ hoang, trở thành đất trống đồi trọc, vừa gây xói mòn, rửa trôi đất vừa lãng phí tài nguyên đất rừng.
Tìm hướng đi mới
Đang trăn trở tìm hướng đi mới bền vững cho rừng trồng ở địa phương nên khi biết có đề án chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái trên địa bàn TP do Sở NN&PTNT triển khai, ông Đặng Văn Nông mạnh dạn đăng ký tham gia. Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, đến nay, gia đình ông đã bắt tay vào trồng rừng sinh thái, bao gồm lát (cây lấy gỗ) và cây ăn quả như sấu, trám đen. Ông cho biết, trước đây, người dân địa phương đã từng trồng thử sấu và trám đen song do không được xử lý kỹ thuật trong khâu giống nên cây lâu có quả, nhiều hộ chuyển sang khai thác gỗ. Tuy nhiên, tham gia vào Đề án lần này, ông Đặng Văn Nông đã được tập huấn kỹ thuật và quan trọng hơn là được cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng. Trong đó, cây sấu là giống ghép nên chỉ sau khoảng 3 năm là được thu hoạch trái. "Khi cây cho thu hoạch trái, người dân sẽ có thu nhập hàng năm thay vì đợi 5 - 6 năm như trồng keo hiện nay. Nhờ đó, đời sống của người dân sẽ được cải thiện hơn" - ông Nông hào hứng chia sẻ.
Cũng vui mừng không kém khi tham gia dự án chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái là chị Trương Kim Hoa, thôn Dục, xã Yên Bình. Diện tích chuyển đổi của gia đình chị khoảng 11ha. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi được quy hoạch khá bài bản với hệ thống dẫn nước tưới từ khe suối đến khắp các ngọn đồi. Chỉ sau một thời gian trồng cây giống, đến nay khu chuyển đổi đất rừng của chị Hoa đã được "đánh thức" với màu xanh non mới nhú của các cây gỗ lát, sấu, mít, xoài… Dọc hai bên, chị trồng mây nếp vừa có tác dụng làm hàng rào bảo vệ, vừa tăng thêm giá trị kinh tế. Điều đáng nói, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", trong thời gian chờ cây lấy gỗ và cây ăn quả cho thu hoạch, chị Hoa đã trồng xen canh rất nhiều loại rau như đậu cove Hà Lan, cây chùm ngây, su hào, bắp cải… theo phương thức hữu cơ. Chị cho biết, các cây họ đậu còn có tác dụng cung cấp một lượng đạm đáng kể, tăng chất dinh dưỡng nuôi các cây lấy gỗ và cây ăn quả. Theo dự kiến, sang năm tới, khi các cây lát và cây ăn quả phát triển mạnh, bắt đầu tạo tán, chị Hoa sẽ trồng xen canh loài rau bò khai bên dưới để tăng thêm thu nhập.
Trồng gỗ lát xen lẫn cây ngắn ngày tại trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Ảnh: Quang Thiện
|
Tại xã Yên Trung, mô hình trồng rừng 12ha của Công ty CP Kova cũng đang trong thời kỳ cây mở lá non. Nhờ thời tiết thuận lợi và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật (mật độ trồng 1.600 cây/ha) nên diện tích rừng đã trồng đều phát triển khá tốt. Ông Nguyễn Văn Liễu - Phó Giám đốc Công ty cho biết, tham gia Đề án chuyển đổi keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái đã tạo cơ hội để phát triển mạnh du lịch sinh thái với nhiều hình thức đa dạng, trong đó phát huy thế mạnh của Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao.
Với mô hình chuyển đổi từ rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái, các hộ dân sẽ được TP hỗ trợ 100% cây giống và 50% phân bón trong năm đầu tiên. Theo tính toán ban đầu, thu nhập từ mô hình chuyển đổi cao gấp 5 - 7 lần trồng keo, bạch đàn. Điều quan trọng hơn là khi hiệu quả kinh tế tăng, bà con nông dân sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển rừng bền vững.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Thực hiện đề án, tính đến thời điểm này, huyện Thạch Thất đã trồng được khoảng 42ha rừng sinh thái, vượt kế hoạch 15ha. Tuy thời điểm trồng cây năm nay muộn so với mọi năm nhưng do thời tiết có mưa nên cây vẫn phát triển, sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống cao. Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, xác định Đề án chuyển đổi keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai tuyên truyền rộng rãi về đề án tại các xã có rừng và được đông đảo cán bộ và Nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Bên cạnh đó, huyện tiến hành khảo sát thực tế các thiết kế của đơn vị tư vấn tại các xã triển khai, phối hợp với Phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) và đơn vị tư vấn cung cấp đủ cây giống cho bà con.
Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình là 3 xã miền núi có đồng bào dân tộc sống tập trung của huyện Thạch Thất với tổng diện tích tự nhiên hơn 7.000ha, trong đó có hơn 1.700ha là núi rừng với cảnh quan môi trường thuận lợi cho phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Với đặc điểm nằm liền kề với nhau ở vùng núi phía Tây huyện Thạch Thất, mỗi xã đều có tuyến giao thông chạy qua. Phía Bắc có Đại lộ Thăng Long đi qua Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chạy dọc theo 3 xã là tuyến đường 446. Do vậy, nhiều người dân tin tưởng rằng, sau khi chuyển đổi thành công sang trồng rừng sinh thái, các xã miền núi này sẽ trở thành những vùng đất "vàng" về du lịch sinh thái của Thủ đô.
Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi từ rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn nên người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, để mô hình phát triển thuận lợi và ngày càng nhân rộng, người dân địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của TP, Sở NN&PTNT trong các năm tiếp theo.
Việc trồng xen canh các loại cây lấy gỗ với các loại cây ăn quả là hướng phát triển mới, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho các xã có rừng trên địa bàn huyện phát triển mạnh du lịch sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế rừng. Ông Nguyễn Văn Toàn Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất |