Phú Diễn tự hào là địa phương 3 lần đón Bác Hồ về thăm

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 3 lần. Lời căn dặn của Bác vẫn luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phát huy học tập, làm theo.

Theo lời kể của người dân Kiều Mai: Ngày mồng 7/8/1955, bà con Kiều Mai, Phú Diễn, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) đang sôi nổi thi đua đào vét mương lấy nước sông Nhuệ dẫn vào đồng chống hạn thì một chiếc xe ô tô dừng lại, Bác Hồ bước xuống, đi nhanh đến chỗ bà con đào mương, vừa đi Bác vừa giơ tay chào mọi người.
 Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Phú Diễn.
 
Sau vài giây bất ngờ và ngỡ ngàng thấy Bác, mọi người cùng dừng tay chạy ào lên và hô to "Bác…, Bác Hồ, chúng cháu chào Bác!...". Mọi người xúc động khi được nghe Bác nói chuyện. Bác căn dặn, bà con đều phải chủ động, tích cực đào mương lấy nước cày cấy, không chờ trời mưa, có thế sản xuất mới thắng lợi được. Những lời động viên, cũng là lời căn dặn của Người, bà con nông dân Kiều Mai nhà nhà thi đua lao động sản xuất tốt hơn để một ngày không xa được đón Bác về thăm đồng ruộng quê mình.

Lần thứ hai về Phú Diễn, Bác cũng đến với nông dân Kiều Mai đúng vào vụ gặt lúc chiêm xuân ngày 14/6/1961. Bác xắn quần, lội xuống ruộng, nâng từng bó lúa lên xem và hỏi thăm mọi người về tình hình sản xuất, năng suất lúa. Bác cũng kể chuyện cho người dân Kiều Mai về những địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thu được năng suất lúa tốt hơn.

Chỉ sau đó chưa đầy 3 năm, Bác về thăm lần thứ 3, khi ấy Phú Diễn còn là xã Phúc Diễn vào ngày 29 tháng chạp năm 1965. Bác đã trồng cây đa lưu niệm và căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây phát huy tích cực địa phương có truyền thống trồng cây ăn quả, làm tốt công tác vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
 Bà Đặng Thị Liên.
Bà Đặng Thị Liên Bí thư Đảng ủy phường Phú Diễn quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: Dù thời gian ngắn ngủi chỉ vài tiếng trong mỗi chuyến Bác đến thăm và nói chuyện, song cách nói chuyện chân tình, cởi mở và những lời căn dặn nhẹ nhàng dễ hiểu của Người mãi là bài học lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Diễn thực hiện.

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Phú Diễn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động sáng tạo, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của quận, thực hiện có kết quả và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra: Chính trị - xã hội luôn ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư. 100% đường ngõ xóm đã được bê tông hóa, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. 100% các hộ dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các trường học được xây dựng kiên cố và đã được công nhận trường chuẩn quốc gia. Kể từ năm 2014, sau khi được chia tách phường với Phúc Diễn, Đảng bộ Phú Diễn đã liên tục 3 năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ sạch vững mạnh, chính quyền xuất sắc.
 Cây đa Bác Hồ trồng tại Phú Diễn.
Bà Nguyễn Thị Dần, bí thư chi bộ tổ dân phố số 14 (chính là thôn Kiều Mai xưa Bác đã về thăm) phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, cho biết: Chúng tôi được giao trọng trách trông coi nhà bia lưu niệm, cây đa Bác Hồ, và được đón Bác về thăm thật sự tự hào. Mặc dù tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân Phú Diễn đã mất đi rất nhiều diện tích đất sản xuất nhưng chúng tôi luôn nhớ lời Bác “tấc đất, tấc vàng”, những gia đình ở Phú Diễn có diện tích trồng bưởi diễn dù còn ít hay nhiều đều khai thác trồng hiệu quả. Các diện tích đất xen kẹt đều được bà con khơi thông dòng chảy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, cho năng suất, hiệu quả cao. Mỗi sào bưởi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, hàng năm Phú Diễn còn trồng hàng trăm cây xanh, bóng mát nhằm đảm bảo môi trường sống.

Hiện nay, Phú Diễn có Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ bên cạnh cây đa Bác trồng và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Hàng năm, phường thường tổ chức các buổi học tập về tư tưởng, đạo đức và tấm gương Hồ Chí Minh tại đây cho các cán bộ, Đảng viên và Nhân dân. Qua đó, thể hiện tình cảm của người dân Phúc Diễn đối với Bác và cũng là để mỗi người tự học tập làm theo lời Bác dạy.