Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội:

Phụ huynh, học sinh tiểu học và lớp 6 vỡ òa niềm vui đi học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù trước đó câu hỏi: “Bao giờ học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được đến trường?” liên tục được đặt ra nhưng khi Hà Nội có thông tin chính thức về ngày trở lại trường của các khối lớp này, rất nhiều phụ huynh, học sinh vẫn vỡ òa niềm vui vì quá bất ngờ.

Vui hơn Tết

Thông tin trên được đưa ra vào chiều mùng 5/2- khi kỳ nghỉ Tết sắp kết thúc và chỉ còn một ngày nữa, cuộc sống sẽ trở về nhịp hối hả thường ngày. “Rất bất ngờ”, “rất vui” là tâm trạng chung của hầu hết phụ huynh khi đón nhận thông báo học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được đi học.

Học sinh tiểu học và lớp 6 vùng 1, 2 ngoại thành được đến trường từ 10/2
Học sinh tiểu học và lớp 6 vùng 1, 2 ngoại thành được đến trường từ 10/2

Gia đình có 2 con (một con lớp 8, một con lớp 2) nên trong dịp Tết, chị Nguyễn Thu Huyền (huyện Thanh Trì) chỉ dám vui một nửa, còn lại vẫn trĩu nặng nỗi lo bởi không biết sẽ sắp xếp công việc sau Tết như thế nào. Suốt kỳ 1 vừa qua, tuy các con học online nhưng vợ chồng chị Huyền vẫn đi làm bình thường vì ở nhà đã có anh lớn lo cơ bản cho đứa em. “Từ ngày 8/2, cậu lớn đi học nửa buổi còn đứa em chưa biết trông coi thế nào nên gia đình đã nghĩ đến việc nhờ bà nội lên trông; ngặt nỗi, ra Giêng ở quê chuẩn bị vào vụ. Đang căng thẳng và loay hoay tính toán thì nhận được thông tin lớp 2 cũng được đi học nửa buổi ngày từ 10/2. “Thật không có gì vui bằng. Mong sao đến trường ổn định, dịch bệnh thuyên giảm để các con sớm được học bán trú. Việc đi học nửa ngày trong thời gian đầu vừa giúp các con quen thầy, quen bạn; vừa củng cố kiến thức rất hữu ích. Không thể học online tại nhà mãi được!”- chị Huyền hào hứng nói.

Có con học lớp 1, anh Đào Công Trường (huyện Thanh Oai) cho hay, cả gia đình mong đợi ngày này đã quá lâu rồi. Lý do được anh Trường đưa ra bởi vợ anh làm nhân viên y tế cơ sở nên suốt thời gian qua phải thực hiện nhiệm vụ phòng dịch, không thể kèm cặp con mà cậy nhờ cả vào ông bà nội. Con anh trước khi vào lớp 1 chưa biết đọc, biết viết, cũng chưa được rèn nếp tự giác do vậy học online thật sự như đánh trận. Khi đến trường, vẫn là thầy cô giáo đấy nhưng được tương tác trực tiếp sẽ tạo thuận lợi cho việc giảng dạy của thầy và tiếp thu của trò. Dù chưa nhận được thông báo ở phía nhà trường nhưng vợ chồng anh chị đã phân công nhau chuẩn bị đầy đủ sách vở để sẵn sàng cho con đi học từ 10/2.

Là học sinh học lớp 6 trường THCS Hát Môn (huyện Phúc Thọ), em Bùi Hải Minh chia sẻ rằng, dù bước vào kỳ 2 nhưng những kiến thức mới mẻ của các môn học tích hợp vẫn khiến các em cảm thấy khó khăn trong tiếp thu mà học online nhiều khi không dám hỏi cô vì thời lượng 1 tiết học quá ngắn; nếu ở trường thì em sẽ hỏi trong giờ ra chơi. Em mong từng ngày được đi học trực tiếp nhưng trước đó bố mẹ, thầy cô đều trả lời là chưa tiêm nên chưa đi học được. Nay đọc được thông tin sẽ trở lại trường từ 10/2, Hải Minh rất vui. Các bạn lớp em cũng nhắn tin cho nhau và cảm thấy thật may mắn khi vài ngày nữa sẽ đi học trực tiếp.

Các trường học thông suốt nhiệm vụ

Cũng như phụ huynh và học sinh, các nhà trường cùng thầy cô giáo bậc Tiểu học và lớp 6 cũng rất vui khi đón nhận thông tin trên. Nếu bậc THCS, mọi công tác chuẩn bị không có nhiều thay đổi và xáo trộn vì việc diễn tập đón học sinh trở lại trường đã được hoàn thiện trước Tết Nguyên đán, có chăng chỉ thay đổi trong sắp xếp thời khóa biểu với lớp 6 (thay vì trực tuyến là trực tiếp) thì với bậc Tiểu học, mọi công tác chuẩn bị thực sự được lưu tâm.

Công tác đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch được các nhà trường đặt lên hàng đầu
Công tác đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch được các nhà trường đặt lên hàng đầu

Hiệu trường một trường Tiểu học thuộc huyện Quốc Oai cho biết, dù rất bất ngờ nhưng hầu hết các nhà trường đều đón nhận thông tin mở cửa trường học trong sự phấn khởi. Các phương án, kế hoạch đi học trực tiếp luôn được tính toán từ trước; hơn nữa, dịp cuối kỳ 1, trường đã tổ chức thành công cho học sinh khối 1, khối 2 đến trường kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tiếp. Mọi việc chắc chắn sẽ được thực hiện trơn tru vì Ban giám hiệu, các thầy cô và đa số phụ huynh đã nắm được nguyên tắc chung khi cho học sinh đi học. Nhà trường sẽ bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị từ sáng thứ 2 để mọi việc sớm đi vào nền nếp, quy củ và hiệu quả”.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Loan, trường Tiểu học Quang Trung, thị xã Sơn Tây bày tỏ, cô và các giáo viên trong trường rất hạnh phúc khi chuẩn bị được đón học sinh. Rõ ràng, thái độ của người dân với dịch Covid- 19 đã khác trước và dịch bệnh không thể biến mất hoàn toàn trong thời gian trước mắt, do đó, việc dần tổ chức cho học sinh đi học là hợp lý, được giáo viên, phụ huynh ủng hộ. Cô và các giáo viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù biết thời gian đầu sẽ vất vả, đi sớm về muộn.

Cũng liên quan đến mở cửa trường học với bậc Tiểu học từ 10/2, nhà giáo Chu Văn Kiểm- Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) cho hay: Để chuẩn bị công tác đón học sinh, ngay sáng Chủ nhật (6/2), Ban giám hiệu trường Tiểu học Hồng Kỳ đã có mặt tại trường để bàn bạc về công tác chuẩn bị. Trước mắt, có rất nhiều phần việc phải thực hiện; trong đó quan trọng khâu tuyên truyền với phụ huynh để nhuần nhuyễn trong phối hợp phòng dịch và với giáo viên trong công tác chuyên môn, bao gồm cả cách thức tiếp cận, giúp học sinh hoà nhập, làm quen với điều kiện bình thường mới. Tinh thần chung là nhà trường sẽ chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện để đón học sinh đảm bảo an toàn song song với chất lượng giáo dục. Lần này sẽ quyết liệt hơn vì phải đối diện với việc có thể xảy ra ca nhiễm trong trường học; do đó cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh cần có sự chuẩn bị tình thần, sức khỏe để thích ứng an toàn.

 

5 nguyên tắc thực hiện

Cũng như các lần mở cửa trường học trước đó, việc tổ chức đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được Sở GD&ĐT Hà Nội thống nhất 5 nguyên tắc thực hiện:

Thứ nhất, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến; nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên dạy học cho các em.

Thứ hai, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của Sở GD&ĐT và Sở Y tế.

Thứ ba, giáo viên chưa tiêm đủ vaccine phòng chống Covid- 19 theo quy định của ngành Y tế chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 01 buổi/ngày. 

Thứ tư, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương xem xét để đảm bảo an toàn. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp quận/huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh; có các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học. 

Thứ năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp quận/huyện/thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường học và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo TP về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.