Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ huynh và những chiêu ứng xử với "tình teen"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi biết tin con gái "rượu" lớp 8 thích cậu bạn trai cùng lớp, cả nhà tôi đều choáng váng.

KTĐT - Khi biết tin con gái "rượu" lớp 8 thích cậu bạn trai cùng lớp, cả nhà tôi đều choáng váng. Nhưng do đã từng xử lý các vụ việc tương tự nên lúc đó tôi giả vờ "lờ" đi và có biện pháp theo dõi con chặt chẽ hơn về giờ giấc.

Càng cấm đoán, càng dễ "mất" con. Vì vậy, nhiều phụ huynh, giáo viên đã chọn cách "lờ" và "kích" để tách con cái mình khỏi những cuộc "tình teen".

Chiêu "kích bác" của hiệu trưởng trường cấp 2 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Khi biết tin con gái "rượu" lớp 8 thích cậu bạn trai cùng lớp, cả nhà tôi đều choáng váng. 

Nhưng do đã từng xử lý các vụ việc tương tự nên lúc đó tôi giả vờ "lờ" đi và có biện pháp theo dõi con chặt chẽ hơn về giờ giấc.

Tất nhiên, không thể tỏ thái độ cấm đoán vì có thể sẽ dẫn đến hiệu ứng ngược, trẻ sẽ "vượt rào".

Thỉnh thoảng con xin phép đi chơi, tôi vẫn đồng ý nhưng có biện pháp kiểm tra.

Ví dụ, xin đi xem phim ở Vincom, đi ăn uống với các bạn,... gia đình cử anh trai đi theo xem cháu có làm đúng như đã xin phép hay không.

Tôi phân tích với cháu, trong đầu cứ nghĩ những chuyện linh tinh thì làm sao có thời gian để học. Sau đó, tôi dùng biện pháp "kích bác".

Tôi bảo, không có bạn trai này đã có bạn khác, hoặc bạn trai đó còn nhiều bạn gái khác nữa.

Tôi cũng nhìn vào một số điểm yếu của cậu bạn, nói chuyện bình thường với con gái như mẹ thấy kiểu tóc đó không đẹp, che hết cả mắt; vẻ đẹp của cậu bạn đó trông không được đàn ông,...

Cứ thế, mỗi ngày tôi đưa ra một lý do nho nhỏ để con gái tự nhìn nhận lại và rồi đến một lúc, tự chúng không thấy thích nhau nữa.

Chiêu "lấy chồng muộn" của cô Trần Kim Liên, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Hà Nội)

Sự việc xảy ra cách đây vài năm, khi tôi còn làm quản lý ở Trường THCS Nguyễn Trường Tộ thì Nghĩa (HS lớp 8) cầm dao rượt đuổi Đức (HS lớp 9) và chém Đức. May mắn là Đức tránh được, còn dao chém vào mặt bàn.

Hóa ra là Hường (lớp trưởng) và Nghĩa - lớp 8 - đang "yêu" nhau. Đức học trên một lớp vừa học giỏi, đẹp trai nên chiếm được cảm tình của Hường, Hường "lơ là" với Nghĩa. Tức giận vì Đức chen ngang vào chuyện tình cảm của mình, Nghĩa đã mua dao để "xử lý".

Trường cho mời phụ huynh của các HS này đến. Mẹ của Nghĩa lúc đó còn ấm ức tâm sự với tôi: "Mẹ hơn 34 tuổi mới lấy chồng mà giờ đây con học lớp 8 đã biết yêu, lại là con trai". 

Sau đó, chúng tôi còn "kích" Nghĩa bằng cách nói rằng bạn Hường đã không chung thủy thì nên quên bạn ấy đi, tập trung vào việc học hành.

Chiêu nghỉ làm của mẹ (cô Lan Anh, giáo viên Trường THPT Việt Đức, Hà Nội)

Cô bạn thân của mình có con gái lớp 9, học ở trường có tiếng ở Hà Nội. Hàng tháng, mẹ đều cho 4 triệu đóng tiền học thêm tiếng Nhật, nhưng không đi học.

Sau khi phát hiện việc con bỏ học thêm để đi chơi, bà mẹ đã phải nghỉ làm ở nhà chỉ để đưa đón con đi học. Tuy nhiên, khi đưa con đến lớp, mẹ quay xe là con cũng quay hướng khác để đi chơi.

Có hôm, 11h đêm mà cô bé vẫn chưa về. Gọi điện thì cô bé này nhất định không nghe máy. Sau đó, bố mẹ phải nhờ con gái của một người bác liên hệ giúp. Lúc đó, cô bé này trả lời với chị là đang ở Hồ Tây uống nước với bạn trai.

Sau khi bị bắt "quả tang" như vậy, cô bé này có nhắn tin cho bạn trai là rất sợ. Tuy nhiên, bố mẹ cô bé đã không quát mắng hay cấm đoán gì mà dần dần khuyên bảo để ổn định tâm lý cho con.

Nếu cấm đoán thì khả năng các em sẽ bỏ nhà ra đi và sẽ mất con.

Chiêu "bịt mặt" rình con (của phụ huynh Lê Hạnh, quận Đống Đa, Hà Nội)

Có lần, cháu kể chuyện nhìn thấy 2 bạn cùng lớp đứng ôm nhau ở hành lang. Cô giáo nhìn thấy nhưng lại gọi 2 bạn đó lại và bảo: "Lần sau muốn ôm nhau thì đứng chỗ kín kín nhé, đừng đứng gần lớp học ảnh hưởng đến các bạn khác".

 

 

Kể xong, con tôi trầm trồ: "cô tâm lý thật đấy mẹ ạ", tôi cũng đồng tình với cách xử lý như vậy.

 

Cách đây nửa năm, tự nhiên tôi thấy lịch sinh hoạt của con (lớp 10) thay đổi. Sáng ra, cứ khoảng 5h30 là tự dậy và dắt xe khỏi nhà lúc 6h, trong khi giờ học ở trường là 7h15, từ nhà đến trường chỉ đi xe đạp 20 phút. Hóa ra cu cậu đi đón một cô bạn ở bến xe buýt. Tôi có hỏi vì sao mà con thích bạn ý thì con trả lời là bạn ý ngoan, học giỏi.

 
Tôi đã đến trường nhờ cô giáo nói với bố mẹ cháu gái kia để cùng khuyên bảo. Có những buổi trưa con ở lại trường, tôi phải bịt mặt "rình" xem chúng nó làm gì. Nhiều buổi như vậy thì thấy chúng nó chỉ đi ăn cơm cùng nhau rồi ra cổng trường đứng nghe nhạc. Việc này kéo dài khoảng 3 tháng thì lịch sinh hoạt của con tôi lại thay đổi. Sáng gọi dậy đi học lúc  6h30 mà nó dậy không nổi.

Thì ra 2 đứa đã "chia tay". Chính bạn bè, bí thư, lớp trưởng cũng "kích": ông học được nhưng vướng vào mấy chuyện lằng nhằng này nên chỉ được học sinh tiên tiến.

Ths. Đỗ Thị Hải, Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội: 

Tôi có tâm sự với một cô bé lớp 7 rằng ở lớp có bạn rất thích, tặng quà và sau đó gọi điện nói: "Ấy ơi, ấy mở quà ra xem và bấm vào nút có trái tim nó sẽ kêu "I love you"". Thực ra, đó là tình yêu bạn bè chứ chưa phải tình yêu luyến ái.

Cô bé đấy nói, thích bạn trai đó vì bạn ăn mặc sạch sẽ, áo trong quần, đầu tóc tươm tất. Nhưng cô bé này cũng thấy một vài bạn trong lớp cũng thích. "Bọn con gái còn xích mích với nhau vì cùng thích bạn trai đó", cô bé kể. Tôi thấy đó là do đặc điểm lứa tuổi để thỏa mãn sự tò mà và sĩ diện với bạn bè.

Gia đình khi biết chuyện như trên thường xử lý theo hai cách: hoặc nuông chiều theo sự tò mò của trẻ hoặc định hướng, khuyên con học hành để quên đi việc đó.

Vũ Quang Minh (HS lớp 8, Trường THCS Đống Đa, Hà Nội):

Năm học lớp 6, 7 em có thích một bạn gái trong lớp. Lúc đó chỉ có thể là thường xuyên hỏi thăm và chia sẻ. Trong lớp cũng có khoảng 6-7 cặp đôi như vậy. Chúng em cũng cố gắng để không làm ảnh hưởng đến học tập. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ vì đầu óc đã để ý đến một ai rồi thì cũng mất một khoảng trong suy nghĩ của mình.

Bố mẹ cũng nhiều lần khuyên răn nhưng không hiểu sao không dừng lại được. Tự nhiên tình cảm phát sinh như vậy và nếu càng cấm thì lại càng phát triển mạnh. Sau đó một thời gian, cũng không hiểu vì sao cả 2 chúng em cùng tách nhau ra, trở thành những người bạn bình thường, không còn cảm thấy "thích" nhau như trước nữa, có thể thấy không hợp nhau.