Phụ huynh và thí sinh đều căng thẳng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gặp chúng tôi khi mắt còn thâm quầng vì mất ngủ, chị Nguyễn Ngọc Đoan (Quảng Ninh) kể, hai mẹ con chị tối qua phải đi thuê nhà nghỉ gần khu vực trường Thương Mại với giá 500.000 đồng một đêm.

KTĐT - Gặp chúng tôi khi mắt còn thâm quầng vì mất ngủ, chị Nguyễn Ngọc Đoan (Quảng Ninh) kể, hai mẹ con chị tối qua phải đi thuê nhà nghỉ gần khu vực trường Thương Mại với giá 500.000 đồng một đêm. Lạ nhà, lại lo cho đứa con ngày mai thi môn đầu tiên, chị hầu như thức trắng đêm.

5 giờ 20 phút sáng nay, ngày 4/7, trục đường Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu đã nhuộm màu áo trắng của hàng trăm sĩ tử tham gia môn thi đầu tiên.

Những quán ăn nhanh khu vực ngã tư Cầu Giấy đã có một ngày mướt mồ hôi bởi lượng khách tăng đột biến. Ở nhiều cửa hàng, thậm khách hàng thậm chí còn phải chen chúc nhau ngóng đồ ăn từ… ngoài sân.

Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt nhưng chị Thu, nhà ở Long Biên (Hà Nội), vẫn kiên trì quạt cho cậu con trai cố ăn nốt bát phở. Chị bảo, mặc dù 6 giờ 30 phút mới là lúc tập trung nhưng mẹ con chị phải đi từ cách đó cả tiếng vì sợ tắc đường.

“Vẫn biết cuối tuần thì lưu lượng giao thông sẽ giảm nhưng hai mẹ con vẫn phải đi từ tinh mơ cho chắc ăn. Hôm nay là môn thi đầu tiên, mình cũng không dám lơ là,” chị Thu tâm sự.

5 giờ 30 phút, tại một điểm thi của Viện Đại học Mở, thí sinh chờ vào thi đều rất lặng lẽ. Các phụ huynh đứng ngoài bắt chuyện rời rạc với nhau rồi lại đăm đắm nhìn vào trường thi. Có phụ huynh đuổi theo con đưa hộp sữa. Khi có một chiếc ô tô con màu trắng vào cổng trường, một người nói: “Ô tô chở đề về kìa!” lập tức tất cả phụ huynh đứng vội lên, như thể nhìn được thấy đề thi.

6 giờ 25 phút, tại một điểm thi của trường Đại học Xây dựng Hà Nội do thầy Nguyễn Quốc Hòa làm chủ tịch hội đồng, phóng viên ghi nhận một thái độ rất nguyên tắc và đầy nhiệt huyết của ông: Đích thân ông điểm danh giám thi, đánh trống vào phòng thi và căng thẳng xem thẻ của phóng viên, vào phòng chỉ đạo gọi điện hỏi cấp trên rồi trả lời từng câu hỏi của phóng viên rõ ràng như nói trước cả trăm sinh viên của mình. Sau đó ông nhanh chóng quay lại công việc.

Theo ông Nguyễn Quốc Hòa thì điểm thi do ông làm Chủ tịch Hội đồng: “Có 499 thí sinh đến đăng ký dự thi tính đến trưa hôm qua, hôm nay thêm 1 em là tròn 500 thí sinh. Cả hội đồng có 22 phòng thi và có 50 giám thị.

Khu vực các trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), thí sinh và phụ huynh cũng đứng tràn cả ra đường vì quá đông. Sự căng thẳng hiện rõ trên nét mặt của các thí sinh khi bước vào trường thi. "Em lo lắm, không biết có làm tốt bài không. Đây là môn đầu tiên, nếu làm không tốt sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề tới hai môn còn lại," một thí sinh chia sẻ.

Đây cũng là lo lắng của thí sinh Nguyễn Thị Mai ở Hội đồng thi Đại học Ngoại thương vì "điểm đầu vào của trường rất cao, 'đối thủ' toàn những bạn học giỏi. Chỉ cần một môn làm bài không tốt là nguy cơ trượt đã nhãn tiền."

Nhận thấy rõ vẻ căng thẳng trên từng cử chỉ, ánh nhìn, nụ cười gượng gạo của thí sinh trước kỳ thi lớn nhất của mình, Tiến sĩ Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch Hội đồng thi của Viện Đại học Mở Hà Nội - phải nói lời động viên trên loa phát thanh của trường: “Cám ơn các bậc phụ huynh đã quan tâm đưa đón con đi thi. Các thí sinh hãy bình tĩnh, hãy làm ngay việc này: Nếu còn cầm điện thoại theo người hãy bỏ lại cho. Hãy xem lại và loại lần cuối những vật dụng bị cấm mang vào phòng thi. Chúng tôi mong các em thật bình tĩnh tự tin, chúc các em thi tốt!”

Áp lực tinh thần không chỉ với thí sinh mà lan sang cả phụ huynh. "Con đi thi, mẹ còn căng thẳng thần kinh hơn cả con," chị Nguyễn Thị Hương, phụ huynh của thí sinh Nguyễn Thanh Huyền, Học viện Bưu chính viễn thông, chia sẻ.

Tại một điểm thi của Đại học Xây dựng, phụ huynh Lê Văn Hùng, quê Thanh Hóa, hớt hải chạy vào cổng trường thi xin đưa cho con chiếc đồng hồ đeo tay của mình. Một sinh viên tình nguyện của trường Đại học Xây Dựng rất lễ độ giải thích: “Bác ơi, bác đừng lo. Trong các phòng học của trường này có treo đồng hồ rồi ạ!”. Ông Hùng vẫn đứng ngẩn người, vì cũng giống như tất cả các bậc phụ huynh đang đưa con đi thi, ai cũng đều lo đủ thứ chứ đâu chỉ yên tâm vì một chi tiết nào cụ thể như chuyện đồng hồ.

Có phụ huynh nữ chắp hai tay trước ngực, nhắm mắt lại. Hẳn người mẹ này đang thầm cầu nguyện cho con làm bài thi tốt. Tuy không chắp tay xong tất cả hàng trăm phụ huynh có mặt cũng đang cầu nguyện tự đáy lòng mình.

Và vì lo lắng nên mặc dù buổi thi môn toán sáng nay kéo dài tới 180 phút, thời tiết Hà Nội đã bắt đầu "thiêu đốt" bởi nắng nóng nhưng phía ngoài cổng các điểm thi đều chật kín phụ huynh đứng ngồi ngóng con.

Tại trường Đại học Giao thông vận tải, mặc cho cái nắng khá bỏng rát, hàng trăm phụ huynh vẫn quyết “cắm chốt” phía cổng trường. Chiếc cầu vượt ngay phía cổng trường Giao thông bỗng trở thành điểm nóng tranh chấp của hàng chục người tránh nắng.

Có mặt tại trường Đại học Thương Mại vào thời điểm 7 giờ kém 15 phút, chúng tôi cũng rất khó khăn để len lỏi qua hàng trăm người vây kín ngoài cổng trường.

Khu vực vỉa hè hai bên cổng trường hầu như không còn một chỗ trống. Hàng chục quán nước gặp thời cũng đua nhau kéo dài tít tắp. Cái nắng oi nồng của ngày hè càng khiến không khí khu vực này khá ngột ngạt.

Gặp chúng tôi khi mắt còn thâm quầng vì mất ngủ, chị Nguyễn Ngọc Đoan (Quảng Ninh) kể, hai mẹ con chị tối qua phải đi thuê nhà nghỉ gần khu vực trường Thương Mại với giá 500.000 đồng một đêm. Lạ nhà, lại lo cho đứa con ngày mai thi môn đầu tiên, chị hầu như thức trắng đêm.

Nhà chị Đoan có người bà con trên phố Thợ Nhuộm. Vậy nhưng, chị không dám "liều" cho con đi xa vì sợ “đi muộn buổi thi thì ân hận vô cùng”. Thế nên, dù đắt đỏ, chị cũng cố cho thuê cho hai mẹ con một phòng nghỉ tại khách sạn gần trường.

“Con đăng ký mỗi trường Thương Mại. Tất cả hy vọng là ở kỳ thi này, thế nên mình không tiếc tiền lo cho con, nhà nghỉ này chị đã phải đặt trước tới 10 ngày đấy,” chị Đoan cho hay.

Chị Đoan cũng chia sẻ, chị không yên tâm về nhà nghỉ chợt mắt. Thà đứng chịu nắng ở cổng trường, chị còn thấy yên tâm hơn. Chị cười nói: “Có về cũng không ngủ được vì thấy sổt ruột vô cùng. Thôi thì đứng đây nói chuyện với mọi người cho đỡ lo."

Khu vực cổng các trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Thủy lợi, Đại học Công đoàn, phụ huynh thậm chí còn không có chỗ để ngồi do khu vực cổng trường đang trong quá trình xây dựng, cải tạo. Hầu hết phụ huynh phải kê dép, giấy ngồi lên đống gạch, cát lổn nhổn và bụi bặm./.