Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phù Lỗ gỡ khó để về đích đúng hẹn

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2014, xã Phù Lỗ được huyện Sóc Sơn lựa chọn làm điểm xây dựng NTM nâng cao. Dù vậy, bài toán vốn đầu tư khiến mục tiêu về đích đúng hẹn của địa phương gặp khó.

Kết quả rà soát cho thấy, đến nay, xã Phù Lỗ đã đạt và cơ bản đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao theo Quyết định số 4212/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Trong đó, một số tiêu chí đạt cao, tiệm cận đô thị như giao thông ngõ xóm, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, tỷ lệ lao động có việc làm… 

 Một tuyến đường giao thông tại xã Phù Lỗ được mở rộng nhờ đóng góp của người dân.
Mặc dù vậy, xã Phù Lỗ hiện vẫn còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông nội đồng, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ thôn làng văn hóa và thu nhập của người dân. Trong số này, hai tiêu chí giao thông nội đồng và cơ sở vật chất văn hóa được xem là khó hơn cả.

Bí thư Đảng ủy xã Phù Lỗ Đỗ Thu Nga cho biết, hiện nay, tỷ lệ đường giao thông nội đồng trên địa bàn được cứng hóa mới đạt khoảng 30% (tương ứng 3/10km). Toàn xã hiện vẫn còn 4 thôn chưa có nhà văn hóa; người dân phải sinh hoạt, hội họp tại đình làng, thậm chí là nhờ nhà dân… Bà Nga cho hay, ngay từ khi được chọn, địa phương đã xác định xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Theo đó, xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề với 4 nhóm giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao trong năm 2020, định hướng NTM kiểu mẫu đến năm 2025.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được địa phương đặt ra là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền và người dân các thôn làng. Tuyên truyền vận động để các thành phần kinh tế tiếp tục ủng hộ, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng NTM nâng cao. “Chủ trương của xã là sẽ huy động kinh phí xã hội hóa từ hơn 1.240 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tập trung khai thác tài nguyên đất đai để bổ sung nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa” - bà Nga chia sẻ.

Mặc dù vậy, đại diện Đảng ủy xã Phù Lỗ cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau quá trình triển khai xây dựng NTM kéo dài từ năm 2010 đến nay, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ có những khó khăn nhất định, bởi người dân đã đóng góp rất nhiều trên chặng đường về đích NTM. Chính vì vậy, xã Phù Lỗ mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư của UBND TP Hà Nội cũng như huyện Sóc Sơn, để hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao theo đúng mục tiêu kế hoạch.