Phụ nữ Hà Đông: Những bông hoa đẹp dâng Bác

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hà Đông là một trong những tập thể được tuyên dương điển hình làm nhiều việc tốt, trong tập 4 “Ngàn hoa dâng Bác” của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Góp nhặt những đồng tiền nhỏ từ phế liệu…
Chia sẻ với với Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông xong, lòng tôi tràn đầy niềm tự hào về những người phụ nữ Việt Nam. Năm xưa bằng sức lực nhỏ bé của mình góp công, góp của cùng cả nước chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Ngày nay, các chị vẫn phát huy tinh thần yêu nước ấy, góp nhặt những đòng tiền lẻ cùng cả nước chống lại dịch bệnh Covid-19.
Với trên 40.000 hội viên sinh hoạt tại 22 cơ sở hội trực thuộc, thời gian qua Hội LHPN quận Hà Đông đã đẩy mạnh hiện Chỉ thị 05 - CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua, triển khai sâu rộng, với nhiều việc làm cụ thể đến mỗi cán bộ, hội viên trên địa bàn Hà Đông và đạt được những kết quả thiết thực.
 Bà Lại Hà Phương - Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông.

Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Lại Hà Phương: Một trong những phong trào tiêu biểu của phụ nữ Hà Đông phải kể đến là phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”. Với mục tiêu vì một đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp, Hội đã phát động nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường; duy trì hoạt động 292 đoạn đường phụ nữ tự quản “An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp”; 29 tuyến phố vệ sinh, văn minh đô thị; chăm sóc, bảo trì 15 vườn hoa, 5 sân chơi. Từ những sáng kiến nhỏ trong cuộc sống đó mà các mô hình “Sống xanh”, "Đổi phế liệu giữ màu xanh", "Thùng rác thân thiện", "Thùng rác từ thiện"... của Hội ra đời, phát triển và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư.
 Hội LHPN Phúc La phân loại rác, gom phế liệu để xây dựng quỹ Hội.

Điểm nổi bật của mô hình "Đổi phế liệu giữ màu xanh", "Thùng rác thân thiện", "Thùng rác từ thiện" đã thu hút đông đảo các bà, các mẹ, chị em cùng tham gia. Có những người đã gần 90 tuổi như bà Nguyễn Thị Thịnh ở Phúc La vẫn ngày ngày góp nhặt phế liệu, bán để góp quỹ xây dựng Hội.
Bằng việc làm này, Hội LHPN Hà Đông đã góp phần vào phân loại rác từ đầu nguồn. Rác tái sử dụng chị em đã đem bán phế liệu, hàng năm chị em đã xây dựng được tổng số quỹ gần 300 triệu đồng tại 251 chi hội trong toàn quận.
Để giảm thải túi nilon và rác thải nhựa dùng 1 lần, Hội đã dùng số tiền từ bán phế thải mua tặng 682 làn nhựa, 5.000 túi thân thiện với môi trường, 540 hộp đựng thực phẩm, 22.000 chai thủy tinh cho cán bộ, hội viên phụ nữ sử dụng. 
 Bà Nguyễn Thị Thịnh đã 88 tuổi vẫn tham gia phân loại rác, thu gom phế liệu xây dựng quỹ hội.

... đến ý nghĩa lớn lao sẻ chia vì cộng đồng
"Làm công tác hội, khó khăn nhất là không có kinh phí. Hơn 3 năm qua Hội LHPN quận Hà Đông xây dựng các mô hình kể trên chính là để hình thành phong trào chị em “tương thân, tương ái”. Từ đó, hàng năm giúp đỡ, tặng quà trên 1.200 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn". Đó là những chia sẻ thêm của bà Phương.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, khi cả nước đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, hội viên, Nhân dân, với mô hình thu đổi phế liệu xây dựng quỹ thân thiện và quỹ từ thiện kể trên các chị đã đóng góp không nhỏ vào công tác chống dịch trên địa bàn. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2020, các chi hội của 17 phường đã tiết kiệm được trên 380 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này cùng với kêu gọi xã hội hoá, Hội LHPN quận đã huy động được tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Từ số tiền này, Hội LHPN quận chủ động in, phát trên 20.000 tờ rơi, tặng 3.800 chai dung dịch rửa tay, 450 lít nước sát khuẩn, 2.700 bánh xà phòng, 4.200 màng chắn giọt bắn, 45.580 khẩu trang y tế kháng khuẩn, khẩu trang vải; tặng 110 bộ quần áo y tế, 30 thùng sữa và 3 tạ gạo cho các lực lượng trực tiếp làm công các phòng chống dịch bệnh; tặng nữ tiểu thương tại các chợ, cán bộ ở  bộ phận tiếp công dân, cán bộ hội viên và nhân dân toàn quận.
Hội còn vận động xã hội hóa tặng 1.244 xuất quà bao gồm các vật phẩm phòng chống dịch bệnh và nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, sữa cho hộ cận nghèo, phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau đột xuất, Hội khuyết tật, Hội Người mù, thành viên Câu lạc bộ Vầng trăng khuyết của quận với 80 suất quà trị giá từ 300.000 đến 500.000 đồng.
 Từ những đồng tiền bán phế liệu Hội LHPN quận Hà Đông ủng hộ xây dựng nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn ở Phú Lãm.

Ngoài ra, chị em còn vận động 382 chủ nhà trọ miễn giảm 50% tiền thuê với trên 1.200 nhà và phòng trọ. Tổng số tiền miễn giảm lên đến gần 2,2 tỷ đồng. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động Nhân dân và hội viên tham gia ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh với số tiền trên 1,2 tỷ đồng gửi về Ủy ban mặt trận các cấp.
Vận động gia đình hội viên hoãn tổ chức 15 đám cưới, chỉ báo hỷ; 8 đám tang gọn thành phần không tập trung đông người trong lúc dịch bệnh và hỏa táng trong 24 giờ. Vận động hơn 300 cán bộ phụ nữ của 17 phường và cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển đã hiến được 141 đơn vị máu. Toàn bộ số máu được chuyển về Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để phục vụ công tác cứu chữa người bệnh.
Từ những việc làm cụ thể, các tổ chức cơ sở đã triển khai nhiều mô hình mới có ích tạo sự lan tỏa trong cộng đồng như: Xây dựng 9 điểm phát quà từ thiện, miễn phí đã trao 5.292 xuất quà với trị giá gần 160 triệu (gồm xúc xích, trứng gà, mì tôm, gạo, lạc, vừng...). Lắp  đặt 6 trạm rửa tay dã chiến tại các chợ, khu công cộng với số tiền 24 triệu đồng, thành lập 18 đội xe đạp tuyên truyền lưu động cấp quận quản lý gồm 216 thành viên, 187 đội tuyên truyền.
Bằng những việc làm thiết thực của Hội LHPN quận Hà Đông đã từng bước nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, hội viên; đưa việc học và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực trong các cấp Hội.
Mỗi việc làm của các chị còn lan toả trong cộng đồng dân cư, từ đó lôi kéo nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia. Từ những đồng tiền lẻ gây quỹ hội, nhưng mang ý nghĩ lớn lao về lòng sẻ chia, tương thân, tương ái trong cộng đồng, góp phần từng bước xây dựng hình ảnh người phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần