Phụ nữ là chìa khóa đạt các mục tiêu phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều lĩnh vực, bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã đạt được những kết quả nổi bật. Sáng nay 4/3, diễn đàn Đối thoại chính sách về Bình đẳng giới diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết: "Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương và đường lối về bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Đối thoại hôm nay sẽ tạo ra cơ hội cho các cơ quan, tổ chức trao đổi, thảo luận, đưa ra những đề xuất thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới  2011-2020, Chương trình Hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 hướng tới bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam".
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam hy vọng: "Bình đẳng giới là một vấn đề liên quan đến chính trị và có thể đạt được khi có những cam kết và hành động của các nhà lãnh đạo cấp cao. Ngày 27/9/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để xóa bỏ khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực. Tôi hy vọng nhiều nguồn nhân lực hơn sẽ được phân bổ và gia tăng gấp đôi các nỗ lực để thực hiện các chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới vừa mới được thông qua".

Báo cáo việc tăng cường triển khai chiến lược, chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, bà Hoàng Thị Thu Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH cho rằng bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong lĩnh vực chính trị, kết quả bầu cử Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, tỷ lệ đại biểu nữ tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, trong đó đại biểu nữ BCH T.Ư chiếm 10%, cấp tỉnh 19,69%, cấp huyện 14,30%.

Ở lĩnh vực kinh tế, lao động - việc làm, nhiều địa phương có tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới năm 2015 đạt tỷ lệ hơn 60% như: Bắc Ninh 67%, Thái Bình 62,8%, Đồng Nai 68%. Tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt 24,9%.

Trong lĩnh vực giáo dục, về cơ bản đạt được sự bình đẳng nam nữ trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực. Ngoài ra cũng đã đạt được mục tiêu khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,2 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái....

Tuy nhiên, hiện nay bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức. Vẫn còn sự tồn tại của thái độ gia trưởng và các khuôn mẫu giới; số lượng đại biểu nữ được bầu vào Quốc hội tăng còn chậm; các khuôn mẫu và định kiến giới mang tính phân biệt đối xử trong tài liệu giáo duc; bạo lực trên cơ sở giới mà phổ biến là phụ nữ và trẻ em gái...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần