Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Quốc: Báo động cạn kiệt nguồn nước ngọt

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mực nước ở hồ Dương Đông đang xuống thấp, sông suối trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nhiều nơi “trơ đáy”. Các dự án xây dựng hồ chứa nước vẫn nằm "bất động" chờ vốn, trong khi nhu cầu nước ngọt cần cho sinh hoạt, tưới tiêu ngày càng tăng cao.

Nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao

Theo quy hoạch chung Phú Quốc đến năm 2030, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 400.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 255.000 người và các thành phần dân số khác như khách du lịch, lao động,... Đến năm 2040, khoảng 680.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 430.000 người.

Mực nước hồ Dương Đông xuống thấp, người dân lo ngại thiếu nước sinh hoạt. (Ảnh Hữu Tuấn)
Mực nước hồ Dương Đông xuống thấp, người dân lo ngại thiếu nước sinh hoạt. (Ảnh Hữu Tuấn)

Trong khi đó, lượng khách du lịch đến với TP Phú Quốc ngày càng tăng đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng nước tại các khách sạn, resort cũng tăng lên. Bước vào thời kỳ cao điểm đón khách du lịch nhiều khách sạn phải dùng xe bồn để chở từ nơi khác để phục vụ nhu cầu của khách.

Không chỉ nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhiều khu vực còn thiếu nước để tưới cây, phải dùng nước ngầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nhất là các khu vực nông thôn. Nhiều người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng đang lo ngại cảnh thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng. 

Năm 2003, hồ chứa nước Dương Đông được đưa vào sử dụng với dung tích 3 triệu m3 nước, công suất 15.000 m3/ngày đêm. Đến nay hồ Dương Đông đã được mở rộng và công suất cũng đã tăng lên so với thiết kế ban đầu.

Ghi nhận của phóng viên, tại hồ chứa nước Dương Đông - nơi cung cấp nước sạch cho cả TP Phú Quốc, thuộc ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương mức nước đang xuống rất thấp có dấu hiệu trơ đáy.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Lâm Phước Thọ - Giám đốc Chi nhánh cấp thoát nước TP Phú Quốc tự tin cho biết, hiện nguồn nước sạch cung cấp cho toàn TP “tạm ổn”. Đồng thời, khẳng định năm nay nguồn nước sạch cấp cho TP sẽ không thiếu.

Chia sẻ với phóng viên, ông Danh Ngọc Thương – Phó Quản lý cấp nước khu vực 2 cho hay, hiện tại trữ lượng nước trong hồ chưa Dương Đông khoảng 2,85 triệu m3, đảm bảo cung cấp nước đủ cho toàn TP đến tháng 6, khi bước vào mùa mưa.

Xây mới nhiều hồ chứa nước

Theo Quy hoạch chung của TP Phú Quốc vừa công bố, nguồn nước cung cấp cho địa phương sẽ sử dụng từ các hồ Dương Đông, Suối Lớn, Cửa Cạn, Rạch Tràm, Rạch Cá và ngoài ra sử dụng thêm nước mưa, nước tái sử dụng.

Trong tương lai hồ chứa nước Dương Đông sẽ nâng công suất lên 45.000m3 ngày đêm. (Ảnh Hữu Tuấn)
Trong tương lai hồ chứa nước Dương Đông sẽ nâng công suất lên 45.000m3 ngày đêm. (Ảnh Hữu Tuấn)

Trong đó, nước hồ sẽ là nguồn nước cấp chính cho TP Phú Quốc. Dự kiến năm 2030: Nâng công suất nhà máy nước Dương Đông lên 45.000 m3/ngày đêm. Xây mới hồ Cửa Cạn dung tích 10 triệu m3 tại khu vực này xây dựng nhà máy nước hồ Cửa Cạn, công suất dự kiến 50.000 m3/ngày đêm.

Đồng thời, xây mới hồ Rạch Cá, dung tích 2 triệu m3, nhà máy nước hồ Rạch Cá, công suất dự kiến 12.000 m3/ngày đêm và hồ Suối Lớn, dung tích 4 triệu m3, nhà máy nước hồ Suối Lớn, công suất dự kiến 25.000m3 /ngày đêm.

Để phục vụ nhu cầu cấp nước bền vững và lâu dài cần có các giải pháp khác như: Xây bể tích trữ nước mưa trong từng công trình và nghiên cứu phương án tái sử dụng nước, làm sạch nước thải tới mức có thể sử dụng được cho việc dùng cho vệ sinh, rửa sàn, tưới cây, sân gold.... Nước sạch chỉ dùng cho mục đích ăn uống, tắm.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND TP Phú Quốc cho biết, để đảm bảo đủ nước sinh hoạt, địa phương khuyến khích người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, tiết kiệm.

Trước đó, ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: Dự án hồ chứa nước Cửa Cạn được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch rộng 195 ha, dung tích 15 triệu m3 nước là một trong những dự án trọng điểm, phù hợp với quy hoạch chung phát triển Phú Quốc. Dự kiến, dự án được khởi công xây dựng vào năm 2024, hoàn thành năm 2029 và đưa vào sử dụng năm 2030 sẽ giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn.