Kế hoạch đề ra chỉ tiêu giai đoạn này của TP Phú Quốc là giá trị sản xuất (khu vực I, II) bình quân mỗi năm tăng 8,84%. Trong đó, nông – lâm – thủy sản tăng 3,32%; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 9,76%/năm.
Tổng sản lượng thủy sản bình quân đạt 201.000 tấn/năm; chế biến nước mắm bình quân 12 triệu lít/năm; sản lượng hồ tiêu bình quân đạt 500 tấn/năm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 10,76%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18,13%/năm, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,82%.
Thu ngân sách tăng bình quân 11,7%/năm; chi ngân sách tăng bình quân 2,36%/năm, trong đó chi đầu tư phát triển tăng bình quân 9,24%/năm.
Phú Quốc đón đoàn khách quốc tế đầu tiên theo "hộ chiếu vaccine" tháng 11 vừa qua. |
Đến năm 2025, khách du lịch đến Phú Quốc đạt 10 triệu lượt, tăng bình quân 27,23%/năm, trong đó khách nước ngoài đạt 4 triệu lượt.
Đến năm 2025, Phú Quốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Giữ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 11%o/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên của kế hoạch là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trên cơ sở kết hợp linh hoạt, hài hòa giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian đảo Phú Quốc theo hướng TP tích hợp vào quy hoạch của tỉnh và quy hoạch chung xây dựng TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Phấn đấu đến năm 2025, Phú Quốc là đô thị loại I, xây dựng TP đảo Phú Quốc trở thành TP du lịch biển – đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng cao và bền vững; đến năm 2025 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo riêng của Phú Quốc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…
Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông, vận tải, tư vấn, y tế, giải trí; phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại ban đêm… để phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Khung cảnh tại đám cưới nữ tỷ phú Ấn Độ Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah diễn ra tại khách sạn JW Marriott Phú Quốc từ ngày 7 – 10/3/2019 (Ảnh: Giang Lam). |
Tạo điều kiện triển khai dự án khu phi thuế quan; kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại (trung tâm thương mại Dương Đông, An Thới…), hệ thống siêu thị và các chợ. Nâng cao chất lượng, uy tín hàng hóa thương hiệu Phú Quốc như nước mắm, hồ tiêu, rượu sim… Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1401/QĐ-UBND ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh ban hành ngày quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm; giữ vững thị trường xuất khẩu nước mắm vào EU.
Tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo; kiến nghị và phối hợp với cơ quan trung ương và của tỉnh đầu tư đường hạ cất cánh số 2 và nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc…
Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…
Tháng 11/2021, Kiên Giang đón hơn 300.000 lượt khách, tăng hơn 10 lần so với tháng trước, trong đó Phú Quốc đón 290.000 khách (có 1.400 khách quốc tế). Theo ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, nhờ áp dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế và quy định thích ứng với đại dịch trong trạng thái bình thường mới, từ đầu tháng 11 tới nay, du khách tới tỉnh Kiên Giang tăng mạnh trở lại. Tỉnh kỳ vọng ngành du lịch sẽ vượt mốc 2 triệu lượt khách trong năm nay, trong đó có ít nhất 300.000 khách quốc tế.