Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Quốc: xót xa nhà phố thương mại, biệt thự tiền tỷ “ngủ Đông”

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hàng nghìn căn nhà phố thương mại, biệt thự tiền tỷ ở Phú Quốc đã bàn giao nhưng bị bỏ hoang không còn là nỗi xót xa của riêng nhà đầu tư cá nhân mà còn trở thành trăn trở chung của những ai tâm huyết với sự phát triển của đảo Ngọc.

"Tuyệt tác" thành tuyệt vọng

Mới đây, sản phẩm căn hộ biển mang tên M. Phú Quốc được phát triển bởi  một Tập đoàn khá lớn đã rầm rộ quảng cáo, ra mắt thị trường. Theo chủ đầu tư, khách hàng chỉ cần 15% vốn ban đầu là đã sở hữu được căn nhà, được vay tới 70% trong tối đa 35 năm, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc và miễn phí trả nợ trước hạn trong 24 hoặc 36 tháng.

Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư cá nhân từng “vỡ mộng” với câu chuyện đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc vẫn không tránh khỏi tâm lý sợ hãi, khi mà hai năm qua, nhiều “tuyệt tác” đang trở thành nỗi tuyệt vọng của nhà đầu tư.

 

Một góc TP Phú Quốc
Một góc TP Phú Quốc

Chị Hải Giang, một nhà đầu tư cá nhân ở TP Hồ Chí Minh cho hay, giữa năm 2022, chị đã có mặt tại đảo Ngọc để tìm mua 2 căn nhà phố thương mại của một chủ đầu tư có tiếng tại Phú Quốc với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đến nay, dù đã được hoàn thiện mặt ngoài khang trang, cả 2 sản phẩm trên hiện đều không thể tìm được khách thuê. Chị cũng không tìm đượckhách mua để trả nợ ngân hàng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị cho thấy tại một đô thị  hiện đại ở Phú Quốc. Toàn dự án có khoảng gần 900 căn và chia làm 2 dòng sản phẩm chính 50% là nhà phố thương mại, 50% còn lại là nhà phố liền kề, hầu như đang bỏ trống. Nhiều căn, chủ nhà treo biển cần cho thuê giá rẻ hoặc kẹt tiền bán gấp, chịu lỗ. Hầu hết là đã hoàn thiện mặt ngoài, bên trong vẫn còn nguyên trạng thái bàn giao thô.

Khảo sát tại một khách sạn mini tại khu vực dự án ở Phú Quốc cho thấy, lượng phòng cho thuê còn trống nhiều. Một nhân viên khách sạn cho hay, giá phòng rẻ, chỉ khoảng 800 nghìn đồng/phòng 2 người/đêm nhưng lượng khách vắng. Còn tại một quán cafe có vị trí trung tâm dự án, view tầm nhìn biển, anh Thắng, quản lý quán cho hay, dù đang mùa cao điểm nhưng doanh thu của quán chỉ đặt khoảng 30% so với dự kiến, hầu như không đủ chi phí thuê nhà và trả lương cho nhân viên.

Tại khu vực Gành Dầu, phóng viên cũng ghi nhận, trong số các dự án đã hoàn thiện, có rất nhiều biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại, condotel… đã bán cho khách hàng từ mấy năm trước đến nay vẫn bỏ trống.

Anh Tuấn Anh, một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội chia sẻ, hiện anh cũng đang “mắc kẹt” dòng tài chính, muốn hoàn thiện để đưa vào kinh doanh cũng khó vì không có người thuê, muốn bán lại cũng không có người mua dù đã cắt lỗ tới 30%. “Căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Gành Dầu vào thời điểm năm 2021 tôi mua với giá 19 tỷ đồng, nay rao bán chỉ 13-15 tỷ đồng cũng khó có khách. Không ít nhà đầu tư địa ốc cũng đang đứng trước nguy cơ “chôn vốn” nhiều tỷ đồng vì trót xuống tiền đầu tư để rồi vỡ mộng như tôi”- anh Tuấn Anh chia sẻ.

Nhiều dự án tại Dương Đông, khu vực được xem là có vị trí đắc địa nhất Phú Quốc, tình trạng biệt thự, nhà phố thương mại bị bỏ hoang cũng diễn ra. Một số dự án tuy chủ đầu tư cam kết với người mua sẽ cho thuê lại và trả lãi hàng năm nhưng hầu như người mua nhà đều bị chủ đầu tư khất nợ.

“Bội thực” nhà phố, biệt thự

Dữ liệu của bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group cho thấy, tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng tại thị trường Phú Quốc còn khoảng 17.600 sản phẩm, gồm cả condotel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng. Con số này đưa Phú Quốc trở thành thị trường đứng thứ ba về tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng, chiếm 24% tổng tồn kho cả nước, chỉ đứng sau Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, phân khúc condotel tại Phú Quốc không ghi nhận nguồn cung mới, giao dịch thứ cấp đóng băng. Tương tự, biệt thự nghỉ dưỡng và shophouse có lượng hấp thụ không đáng kể, thị trường rơi vào trầm lắng.

Những năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng là trụ cột của kinh tế Phú Quốc, tạo ra động lực tăng trưởng cho các ngành nghề liên quan (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động...), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và phát triển đô thị, du lịch. Song dư thừa cung là điểm nghẽn cốt tử dẫn tới thị trường “ngủ đông” gây mất niềm tin cho nhà đầu tư khi nghĩ tới Phú Quốc.

Dữ liệu của batdongsan.com cho thấy, giai đoạn 20127-2020, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc tăng trung bình 70 - 80%. Năm 2019 được xem là thời điểm bùng nổ của thị trường với số lượng sản phẩm gấp 5 lần năm 2018, tương đương 4.000 căn, tăng gần 5 lần so với năm 2018. Quá trình phát triển nóng đã thu hút với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư lớn. Giá trị mỗi sản phẩm thời kỳ này cũng rất cao, thấp nhất 3 - 5 tỷ đồng/căn nhà phố, phổ biến ở mức giá 8 - 10 tỷ đồng/căn, thậm chí có những sản phẩm được chào bán trên 10 tỷ đồng/căn.

Còn theo tìm hiểu của nhà đầu tư cá nhân, anh Phú Cường (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội), chỉ riêng phân khúc biệt thự, tới nay Phú Quốc đã ghi nhận tổng cộng gần 2 nghìn căn nhưng công suất phòng được sử dụng cho thuê chỉ đạt trên dưới 40%. “Năm 2019, tôi rót hơn 28 tỷ đồng để sở hữu 2 căn biệt thự tại Phú Quốc. Đầu năm 2021, tôi nhận bàn giao và trải qua hơn 1 năm tê liệt vì dịch Covid-19. Những tưởng sang năm 2022 sẽ cho thuê tốt hơn nhưng 2 năm qua chỉ được vài tháng là có khách, hầu như nhà để trống, hư hỏng xuống cấp trong khi các căn biệt thự của tôi đầu tư tại Phan Thiết, Vũng Tàu được lấp đầy”- anh Phú Cường cho hay.

Còn chị Thư Anh, một môi giới tại dự án nhà phố thương mại tại Phú Quốc buồn bã cho biết, không có khách thuê, áp lực từ khoản nợ đè nặng hàng tháng khiến các khách hàng ruột của chị buộc phải rao bán cắt lỗ 40% tương đương với gần 4 tỷ đồng so với giá mua nhưng đã 6 tháng trôi qua vẫn khó tìm khách. “Điều này khiến niềm tin của nhà đầu tư càng giảm sút và tôi rất khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng quan tâm tới những dự án mới chào bán trên thị trường Phú Quốc. Ai cũng lo sợ lỡ mua rồi gánh nợ, nhà bỏ hoang, khách du lịch thưa thớt, dòng tiền bị chôn ở đảo Ngọc, môi giới ở đây đã bỏ nghề hết rồi”- chị Anh Thư than thở.