Do mưa nhiều, nước sông dâng cao khiến đất ngấm nước, nền yếu, sự liên kết mỏng làm cho hàng loạt khu vực sạt lở mới xuất hiện. Nghiêm trọng nhất là ở các khu 6, 7 và 8 với khoảng 1,5km bờ sông đang sạt lở mạnh và liên tục, uy hiếp tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân.
Bỏ của chạy lấy người
Trong khuôn viên của gia đình ông Ngô Căn, khu 7, anh Nguyễn Thế Lâm, cán bộ địa chính, giao thông, thủy lợi xã Xuân Huy cho biết căn nhà này đã bỏ hoang từ lâu, cỏ dại mọc um tùm. Chủ ngôi nhà này đã phải bỏ nhà chuyển đi nơi khác ở vì sợ sạt lở. Nhiều hộ khu 3, 6, 7 và khu 8 sống ở dọc mép sông này cũng phải bỏ của chạy lấy người như hộ nhà ông Căn.
Hiện còn 32/70 hộ dân ở khu 7 hàng ngày nơm nớp nỗi lo sạt lở mỗi khi nước sông dâng lên hay vào mùa mưa bão. Nhiều hộ cũng đang nhấp nhổm lo chuyển nhà.
Anh Nguyễn Đình Quyến cũng ở khu 7 đang lo chạy lùi vào chân đê vì sạt lở uy hiếp nhà cửa. Năm 2009, sạt lở bờ sông đã lấn dần "ăn" hết đất vườn, giờ đã “ăn” sát công trình phụ của gia đình.
Anh Quyến cho biết thêm gia đình đã phải di chuyển nhiều lần mới được như thế này, nếu không di chuyển, có khi nhà chính cũng không còn chứ chưa nói đến công trình phụ, giếng nước. Tính từ mép nhà trở ra, sông đã “ăn” vào đất nhà của gia đình anh tới 15-20m.
Theo anh Quyến, gia đình đã 3 lần chuyển công trình phụ và lùi nhà tới 2 lần để chạy lở đất, nhưng vẫn không hết lo.
Cùng cảnh ngộ với hộ anh Quyến, gia đình bà Trần Thị Tháp khu 8 cho biết mấy năm nay, bờ sông bị sạt lở mạnh, khiến cho cả nhà lúc nào cũng trong tình trạng "ăn không ngon, ngủ không yên."
Còn hàng chục hộ dân trong làng ngày đêm vẫn nơm nớp lo... đất lở. Có hộ bỏ nhà hoang, có hộ đang hàng ngày chạy lùi vào sát chân đê, còn nhiều hộ đang nằm chênh vênh bên bờ sông.
Cần một công trình... kè
Ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Huy cho biết tình trạng sạt lở bờ sông đã uy hiếp 80 hộ dân nơi đây. Có nhiều nhà đã bị sạt mất công trình phụ, hàng chục ha đất màu bị nước cuốn trôi, nhiều nhà bị nứt rất nghiêm trọng.
Dù biết thế nhưng “lực bất tòng tâm,” xã chỉ mong bờ sông được kè lại cho bà con yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất. Xã cũng đã kiến nghị nhà nước, các cơ quan chức năng của tỉnh cần sớm khảo sát, tổ chức kè toàn tuyến để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân và phòng chống tình trạng sạt lở đang diễn ra.
Hiện tại, ở Xuân Huy không chỉ một hai khu bị ảnh hưởng, mà có tới 4 khu (3, 6, 7, 8) cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng dọc tuyến bờ sông. Nhiều đoạn, sạt lở kéo thành vệt tới hàng trăm mét dài, cuốn đi cả trăm gốc tre của những hộ dân trồng để hộ đê. Nhiều hộ “thua” sức nước, đã phải bỏ nhà tìm nơi an toàn để trú ngụ.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do dòng sông Hồng thời gian gần đây đã bị đẩy dòng sang. Bờ bên kia là các xã Thanh Uyên, Hiền Quan (huyện Tam Nông) bờ sông đã được kè, khiến cho nước đổi dòng, thốc sang gây nên sạt lở mạnh ở Xuân Huy.
Ông Bảo cho biết thêm xã đã có chủ trương di dời những hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ra khỏi khu vực (thực tế đã có 9 hộ di dời khẩn cấp). Bên cạnh đó, xã cũng đã dành một quỹ đất tái định cư sẵn sàng di chuyển các hộ ở ven sông có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng.
“Nếu không được xử lý kịp thời, sạt lở diễn ra mạnh, sẽ có khoảng 50 hộ dân dọc tuyến phải di dời khẩn cấp trong nay mai,” ông Bảo khẳng định.
Mùa mưa bão đã đến, nhưng làng “chạy” ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ sẽ còn là câu chuyện dài của người dân khi mà những lo lắng của họ chưa được giải quyết kịp thời./.