Phú Thọ: chú trọng phát triển kinh tế làng nghề nông thôn
Kinhtedothi - Phú Thọ đang tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua nhiều giải pháp, bao gồm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển các làng nghề truyền thống và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn.
Phát triển làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu
Làng nghề đan lát Ba Đông (xã Tu Vũ) là một trong những nghề truyền thống lâu đời của tỉnh Phú Thọ. Làng hiện có trên 40 hộ gia đình duy trì nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương. Nơi đây chuyên sản xuất các nông - ngư cụ như giỏ, trúm, đó, lờ, nơm để bắt cá, tôm; hay các vật dụng hằng ngày như rổ, giá, nong, nia, mẹt... bằng tre, nứa. Mỗi năm làng nghề sản xuất và bán ra thị trường hàng triệu sản phẩm đan lát các loại.

Làng nghề đan lát Ba Đông.
Làng nghề mộc Vân Du (xã Chí Đám) hiện có khoảng 70 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động. Hiện nay, các hộ làm nghề đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, hiện chiếm trên 50% công đoạn trong quy trình sản xuất. Máy móc được đầu tư giúp sản phẩm làng nghề nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng. Với doanh thu bình quân đạt 300 tỷ đồng/năm, làng nghề giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương
Các hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh được phân theo 5 nhóm ngành nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Làng nghề làm nón lá Sai Nga ở xã Cẩm Khê đã có thời gian đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do thị trường bị thu hẹp, đầu ra không ổn định, nhưng nhờ có hướng đi mới, đến nay các làng nghề này vẫn bảo tồn và phát triển tốt. Sản phẩm nón lá hàng ngày được các thế hệ của làng làm ra và theo du khách xuất ngoại, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Hiện làng nghề nón lá Sai Nga duy trì và phát triển trên 500 hộ làm nghề.
Phát huy tiềm năng của ngành nghề nông thôn
Trên địa bàn tỉnh có hơn 100 làng nghề đang hoạt động, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương. Để nâng cao hiệu quả phát triển ngành nghề nông thôn, các địa phương đã duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống như: Làng nghề nón lá Sai Nga (xã Cẩm Khê), rượu làng Đình (xã Yên Thủy), dệt thổ cẩm Chiềng Châu (xã Mai Hạ), chè Đá Hen (xã Đồng Lương), đồ gỗ mỹ nghệ Tiên Du (xã Chí Đám), mộc dân dụng Thanh Lãng (xã Xuân Lãng).... gắn với xây dựng thương hiệu; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP...
Các ngành nghề nông thôn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Toàn tỉnh có khoảng 120.000 lao động đang trực tiếp tham gia sản xuất tại các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn. Đây phần lớn là lao động tại chỗ, có kinh nghiệm, kỹ năng nghề truyền thống được tích lũy qua nhiều thế hệ.
Các hình thức sản xuất ngành nghề nông thôn của tỉnh Phú Thọ chủ yếu là hộ cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh các nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng tiêu dùng hiện đại như sản xuất đồ gỗ nội thất, chế biến thực phẩm sạch, trồng và chế biến dược liệu, gia công hàng may mặc, bao bì... Những mô hình này không chỉ tận dụng tốt nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ mà còn mở rộng dư địa phát triển cho khu vực nông thôn.
Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg, ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, để phát triển ngành nghề nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập, chính quyền địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng tài nguyên, lợi thế địa phương và nguồn lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, việc đổi mới, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, đồng thời thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, đóng vai trò hạt nhân trong chuỗi liên kết với nông dân sẽ là yếu tố then chốt giúp ngành nghề nông thôn phát triển theo hướng bài bản, chuyên nghiệp.
Tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm làng nghề, gắn với phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm của làng nghề.
Tại hội thảo với chủ đề “Nhận diện tiềm năng và định hướng phát triển tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất giai đoạn 2025 - 2030” tổ chức vừa qua, ông Trần Duy Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, định hướng trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; rong đó có nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn và giá trị cao gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại văn minh.

Phú Thọ: mời đấu thầu công trình xây lắp hơn 10 tỷ đồng
Kinhtedothi - Gói thầu số 05 thi công xây dựng công trình của dự án nhà lớp học 3 tầng 15 phòng và các hạng mục phụ trợ trường THCS Tiên Phong (xã Chí Đám, tỉnh Phú Thọ) được đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Phú Thọ công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ
Kinhtedothi - Ngày 3/7, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của hệ thống chính trị tỉnh.

Phú Thọ tạm dừng vận hành phà quân sự qua khu vực cầu Phong Châu
Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, mực nước sông Hồng đoạn qua khu vực cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) đã dâng cao và chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông. Trước tình hình đó, Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) đã quyết định tạm dừng vận hành phà quân sự phục vụ người dân qua sông.