Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Xuyên phát triển du lịch làng nghề: Cần khắc phục những điểm yếu

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Phú Xuyên đứng thứ 3/30 quận, huyện của Thủ đô về số làng có nghề với 78 làng có nghề và 40 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống.

Để đánh thức tiềm năng du lịch làng nghề quý giá đó, mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khảo sát và mở “cuộc bàn tròn” nhằm nâng cao chất lượng du lịch tại huyện Phú Xuyên.
Tiềm năng lớn

Phú Xuyên là vùng đất cổ xứ Đoài, trấn Sơn Nam xưa, nằm ở phía Nam TP Hà Nội, với 101 di tích văn hóa được các cấp công nhận và xếp hạng. Cùng với đó, 100% thôn, làng trong huyện có nghề truyền thống. Tiêu biểu phải kể đến các làng nghề: Khảm trai xã Chuyên Mỹ, tò he Xuân La – Phượng Dực, da giày xã Phú Yên, may Vân Từ, bánh kẹo xã Hoàng Long... Đó là những tài nguyên quý cho phát triển du lịch.
 Du khách tham quan, mua sản phẩm tại làng nghề giầy da Phú Yên.
Đến làng khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm khảm chân dung của cả trăm người, không ai giống ai, mỗi gương mặt đều toát lên thần thái riêng. Hay những bộ bàn ghế, tủ, sập… trị giá cả tỷ đồng. Và hẳn nhiều người chưa biết, một số loại vỏ trai, ốc nguyên liệu có giá lên tới hơn 20 triệu đồng/lạng. Cách đó không xa, làng Cựu (xã Vân Từ) đặc biệt không kém với nghề may com lê, váy đầm hình thành từ thời Pháp thuộc. Đặc biệt, nơi đây còn giữ được gần 40 ngôi biệt thự cổ pha lẫn kiến trúc Pháp và Việt cổ. Những ngôi biệt thự đầy rêu phủ, vôi vữa đã hoang hóa rơi rụng, xen kẽ với những ngôi nhà cấp bốn hay mái bằng là sự pha trộn kiến trúc mang đến cảm giác nửa lạ, nửa quen đầy thú vị. Cũng bởi thế, những năm gần đây, làng Cựu đã rất thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài và các bạn trẻ đến tham quan.

Trong khi đó, du khách sẽ được lạc vào thế giới giày da ở làng Phú Yên với hàng trăm gia đình làm nghề. Chỉ tính riêng khu trưng bày và bán sản phẩm kéo dài gần 2km ở đầu làng đã có tới gần 400 hiệu giày san sát nhau. Không chỉ làm từ các loại da thật, giày ở đây còn đa dạng, phong phú về kiểu dáng, màu sắc, kích thước mà giá cả rất phải chăng. Thế nên, bất cứ du khách nào cũng có thể mua được một vài đôi ưng ý cho mình hoặc làm quà tặng. Chưa hết, những món ăn đặc sản như: Cá rô ron rán giòn, canh cá rô đồng nấu rau cải, ốc xào chuối đậu, cá xào rau cần… sẽ để lại hương vị khó quên trong lòng du khách về vùng đất nổi danh “đất trăm nghề”.

Tăng cường thêm kết nối

Khẳng định các làng nghề ở Phú Xuyên rất độc đáo, nhưng theo các chuyên gia du lịch, tất cả các giá trị ấy vẫn đang ở dạng tiềm năng. Bởi, lượng khách đến các làng nghề rất khiêm tốn và chưa có du khách nào lưu trú tại địa phương. Đại diện Công ty Vietrantour chia sẻ: “Sản phẩm, quy trình sản xuất ở các làng nghề đều rất ấn tượng nhưng chưa được sắp xếp theo trật tự. Do đó, cần xây dựng khu trưng bày sản phẩm để khách hàng dễ tham quan, mua sắm và trải nghiệm vào công đoạn sản xuất. Mặt khác, cảnh quan làng nghề chưa được quan tâm, thiếu hoa và cây xanh, không có biển chỉ dẫn nên không gây được tò mò, ấn tượng với các “thượng đế”.

Bên cạnh đó, đại diện các DN lữ hành đều cho rằng, huyện Phú Xuyên cần có phương án cụ thể để bảo tồn những ngôi nhà cổ bị xuống cấp, bỏ hoang ở làng Cựu; trồng thêm hoa dọc hai bên đường để tạo cảnh quan; khuyến khích người dân, DN đầu tư các dịch vụ vui chơi, ăn uống, lưu trú phục vụ du khách. Cùng với đó đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề và tuyên truyền các giá trị làng nghề, làng cổ nhiều hơn để tạo hiệu ứng hút khách.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội nhận định: Thế mạnh của Phú Xuyên là du lịch làng nghề, vì thế rất cần các DN lữ hành kết nối với làng nghề, đưa Phú Xuyên vào trong tour du lịch. Tới đây, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp, hỗ trợ huyện Phú Xuyên xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn; chuẩn hóa các bài thuyết minh; hỗ trợ huyện đào tạo cho đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn huyện… từng bước khắc phục những yếu điểm để “đánh thức” tiềm năng du lịch làng nghề Phú Xuyên.