Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phục dựng điện Kính Thiên: Gỡ bỏ những rào cản trên cơ sở khoa học

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long.

Trước thềm Hội nghị, trong hội thảo “đầu bờ” tại hố khai quật, các chuyên gia quốc tế (UNESCO, ICOMOS) và các chuyên gia trong nước tận mắt thấy dưới nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử.

Hội thảo “đầu bờ” tại hố khai quật.
Hội thảo “đầu bờ” tại hố khai quật.

Cẩn trọng nhưng không chậm trễ

Tại Hội nghị, 12 ý kiến của các nhà khoa học, với nhiều thảo luận sôi nổi, thẳng thắn diễn ra. Một mặt, các nhà khoa học đánh giá cao kết quả khai quật thăm dò khu vực điện Chính điện Kính Thiên thiên năm 2023; kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay. Từ các kết quả được công bố cho thấy, giá trị về tư liệu trước đây hoàn toàn khớp với những giá trị hiện thực đã được phát lộ.

Các nhà khoa học thảo luận.
Các nhà khoa học thảo luận.

Mặt khác, từ một số giả thiết, so sánh với cung điện Đại Minh Cung - Trung Quốc, kinh thành Huế, có ý kiến của nhà khoa học băn khoăn “càng đào, càng thấy khó khăn, thách thức”; “cần có một diện mạo có tính tổng thể, mang tính kết nối”, “cần xây dựng chiến lược khảo cổ học”… và đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, tỉ mỉ từng lớp lang của khu di sản Hoàng thành Thăng Long; cho rằng việc đặt ra mục tiêu phục dựng điện Kính Thiên là chưa đầy đủ.

Thảo luận về các ý kiến trên, PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ, 11 năm qua, qua các cuộc khai quật KCH đã cho thấy tư liệu nghiên cứu và thực tế hoàn toàn ăn khớp với nhau.  “KCH tại Hoàng thành Thăng Long là việc làm lâu dài, không chỉ thời điểm. Chúng ta làm cũng không phải để so sánh, mà cần công trình kiến trúc mang tính đặc trưng. Do đó, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực vào điện Kính Thiên” - PGS.TS Phạm Mai Hùng nhận định.

Phản hồi ý kiến cho rằng công tác nghiên cứu lịch sử về Hoàng thành Thăng Long chưa đầy đủ, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, việc nghiên cứu về lịch sử, di sản, KCH tại Hoàng thành Thăng Long không phải chỉ được thực hiện khi UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. “Trước đó, chúng ta đã nghiên cứu và hiểu được cơ bản giá trị lịch sử khu vực này. Vì thế, chúng ta đề nghị Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới. Hiện nay, theo lời khuyên của UNESCO, chúng ta thực hiện KCH góp phần tăng cường nhận thức về di sản”- GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho hay.

Đồng thời, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, việc khôi phục lại không gian điện Kính Thiên là danh dự, trách nhiệm. Điện Kính Thiên là biểu tượng cao nhất của quốc gia, dân tộc. Do đó, khi đã nghiên cứu được một cách cơ bản, chúng ta bằng mọi cách phải khôi phục lại điện Kính Thiên. Để thế hệ sau này đến Hoàng thành Thăng Long biết được, điện Kính Thiên là bộ mặt của đất nước.

Đặt yếu tố văn hoá trong di sản

Kể về kỷ niệm từ năm 1998 khi thấy GS Tống Trung Tín vui mừng trước phát lộ của KCH dưới lòng đất Thăng Long, TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) chia sẻ, sau nhiều năm khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học đã có các căn cứ về điện Kinh Thiên. Khu vực này có nhiều giá trị vật thể, phi vật thể khác nhau. Vì vậy, khi muốn đề cao giá trị này, có thể phải hi sinh giá trị khác; cụ thể như việc hạ giải nhà cục tác chiến và nhà pháo binh.

Hiện vật được phát lộ.
Hiện vật được phát lộ.

Song song với đó, cùng với yếu tố lịch sử, khi việc phục dựng điện Kinh Thiên cần đặt yếu tố văn hoá trong di sản. “Đừng định hướng, chúng ta phải thấy một công trình vật chất đồ sộ. Nhà quản lý phải nghĩ làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long, để người dân, du khách đến đây biết ngày xưa vua, quan và tầng lớp Nhân dân làm gì trong đó?” - TS Nguyễn Viết Chức cho hay.

Nhớ lại năm 2010 khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá thế giới, Quyền trưởng văn phòng UNESCO Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường chia sẻ: Trong 6 khuyến nghị của UNESCO, khuyến nghị quan trọng nhất là yêu cầu Việt Nam mở rộng, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu KCH để có bằng chứng xác thực hơn, làm sáng tỏ hơn giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này. Công việc Việt Nam đã làm được 13 năm qua từ khi di sản được UNESCO ghi danh và trước đó là bằng chứng quan trọng. Về phía UNESCO, tôi đánh giá cao sự ủng hộ của Hội đồng khoa học, Hội đồng di sản quốc gia trong việc công nhận bảo vật quốc gia có được từ quá trình khai quật. Đó là bằng chứng khẳng định sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện 6 cam kết”.

Quang cảnh khu vực khai quật.
Quang cảnh khu vực khai quật.

Bà Phạm Thị Thanh Hường cũng cho biết, chính từ kết quả KCH đã chỉ ra cho UNESCO và ICOMOS thấy được các rào cản đang phải giải quyết, đặc biệt trong khu vực chính tâm là các công trình xuất hiện ở giai đoạn muộn, trên nguyên tắc ứng xử không thực sự tôn trọng không gian thiêng. “Các chuyên gia UNESCO hiểu rằng các trở ngại như nhà pháo binh, nhà công tác chiến tạo ra sự cản trở với trải nghiệm chung của cộng đồng đến khu di sản, để có cảm quan đầy đủ về không gian toàn vẹn của Hoàng thành Thăng Long; cản trở cộng đồng thực hành nghi lễ. Năm 2023, chúng ta đã có những bước tiến rất rõ, thuyết phục được về mặt khoa học với các cơ quan tư vấn chuyên môn của UNESCO” - Quyền trưởng văn phòng UNESCO Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường cho hay.

 

Từ năm 2011 đến nay, sau khi Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu KCH khu vực trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích hơn 10.000m2.

Kết quả khai quật đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII) gồm có: Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.

Kết cấu tổng thể của không gian được bố cục: Chính điện Kính Thiên ở vị trí cao to nhất được xây dựng ở chính giữa và hơi dịch về phía Bắc. Chính giữa phía Nam là Đoan Môn, cổng chính cuối cùng của Cấm thành Thăng Long. Nối liền giữa Đoan Môn và nền điện Kính Thiên là Ngự đạo dài 136,7m. Hai bên Ngự đạo có sân Đại Triều có diện tích khoảng 12.000m2. Bốn xung quanh là tường xây phía ngoài. Phía trong tưởng có hành lang tránh mưa nắng, đan xen là các cổng ra vào.